Bộ Công Thương đề xuất đổi mới về giá điện: Điều chỉnh thời gian và lợi nhuận định mức

VOH - Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. khi giá điện bình quân tăng từ 3% được phép điều chỉnh tăng.

Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo số 36/BC-BCT, chứa đựng nhiều đề xuất mới về Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, có những thay đổi đáng chú ý về cơ chế quản lý giá điện và các quy định về lợi nhuận định mức.

Bộ Công Thương đề xuất đổi mới về giá điện: Điều chỉnh thời gian và lợi nhuận định mức 1
Ảnh minh họa: EVNTPHCM

Báo cáo rõ ràng quy định vai trò của các bộ, ngành trong quá trình quản lý giá điện. Bộ Công Thương sẽ đảm nhiệm việc kiểm tra và rà soát, trong khi Bộ Tài chính giữ vai trò quản lý nhà nước về giá. Các bộ, cơ quan liên quan sẽ phối hợp theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

Một điểm đáng chú ý khác là việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống còn 3 tháng một lần, nhằm tăng cường tính linh hoạt và đáp ứng nhanh chóng với biến động thị trường.

Bộ Công Thương cũng đề xuất mức điều chỉnh giá điện, trong đó khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì được phép điều chỉnh tăng.

Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát, gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến cụ thể.

Về lợi nhuận định mức, tại điều 4, Quyết định 24/2017, giá điện bình quân được tính trên cơ sở giá điện sản xuất tại các nhà máy trong nước và cả điện nhập khẩu, cộng lợi nhuận định mức từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ (bao gồm cả chi phí chạy thử nghiệm); chi phí mua dịch vụ truyền tải điện kèm lợi nhuận định mức, mua dịch vụ phân phối kèm lợi nhuận định mức và quản lý chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Đặc biệt, giá điện bình quân cũng "gánh" luôn các chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cộng lợi nhuận định mức, bao gồm cả chi phí điều tiết thị trường điện lực…

Bộ Công Thương đã đề xuất không quy định cụ thể về việc xác định lợi nhuận định mức trong một số chi phí đã được đưa vào công thức tính giá bán điện bình quân của quyết định cũ.

Liên quan đến những phản ánh về việc cần "tính đúng, tính đủ các chi phí" để tránh lỗ cho EVN, tại báo cáo này, Bộ Công Thương đề xuất: "Tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện, bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được tính toán phân bổ vào giá bán lẻ điện bình quân năm".

Việc này được cho là "để đảm bảo tính thống nhất, không có cách hiểu khác", Bộ Công Thương lý giải.

Những thay đổi này được đưa ra nhằm nâng cao minh bạch, tính công bằng và sự linh hoạt trong quản lý giá điện, đồng thời giảm thiểu rủi ro và đối mặt với biến động thị trường điện nhanh chóng. Bộ Công Thương cũng chú ý đến việc không để thông tin sai lệch ảnh hưởng đến dư luận, đồng thời đề xuất các biện pháp giải quyết khi có những thách thức đối với giá điện và lợi nhuận của EVN.

Bình luận