Dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh thành phía Bắc như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh…
Trước nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 8/6, cả nước có 196 ổ dịch thuộc 59 huyện của 18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số heo mắc bệnh là 10.544 con, số heo chết và tiêu hủy là 10.612 con.
Tại Quảng Ninh, hiện đang có 19 xã, phường/6 huyện, thị xã, thành phố đang có dịch tả heo châu Phi. Tỷ lệ virus trong đàn heo ở địa phương vẫn ở khoảng 3-4% nên vẫn có nguy cơ bùng phát dịch.
Dịch có khả năng lây lan trên phạm vi rộng và kéo dài, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát và chưa có thuốc điều trị. Khi phát hiện heo nhiễm bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan.
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chính quyền cấp huyện chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất và huy động mọi nguồn lực để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch; mục tiêu là khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, tuyệt đối không để lây lan diện rộng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh thực hiện tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên vật nuôi, quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến heo, sản phẩm của heo trên địa bàn.
Ngành yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ tại các vùng có dịch phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y.
Tại Cao Bằng, tuy dịch không bùng phát mạnh nhưng xuất hiện rải rác ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh.
Khi xuất hiện dịch, các địa phương đã huy động các nguồn lực tổ chức triển khai các giải pháp kiểm soát các ổ dịch, không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn. Các cơ quan chức năng của tỉnh đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y, các địa phương tập trung nguồn lực kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, đồng thời, tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh.
Địa phương cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, thu dọn phân, rác, thức ăn thừa của heo mắc bệnh đem ủ vôi bột hoặc chôn đốt, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc chuồng trại.
Địa phương cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển heo bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác heo chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn người chăn nuôi, nhất là tại địa phương đang có dịch, các địa phương có nguy cơ cao, hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và xung quanh.
Ngành chức năng tích cực hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Không chỉ dịch tả heo châu Phi, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương tập trung tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Bộ đề nghị các địa phương bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vaccine.
Hiện đã có vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, song để tiêm phòng loại bệnh này cần có sự giám sát chặt chẽ. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi theo chỉ đạo của Bộ tại Công văn số 4870 ngày 24/7/2023.
Bên cạnh chống dịch, các địa phương cần chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi heo ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng.