Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bổ sung cửa khẩu cảng biển và hàng không vào dự thảo Luật Quản lý ngoại thương

(VOH) - Ngày 25/5, Quốc Hội thảo luận về dự thảo Luật quản lý ngoại thương.

Dự thảo bao gồm 8 chương, 117 điều quy định các biện pháp quản lý, điều hành về ngoại thương như các biện pháp hành chính, kỹ thuật, kiểm dịch, biện pháp khẩn cấp, phòng vệ thương mại, phát triển hoạt động ngoại thương… có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế, không can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân hoặc giữa các thương nhân với nhau.

Việc ban hành Luật Quản lý ngoại thương sẽ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương.

Theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, (đoàn TPHCM), luật này còn bỏ sót đối tượng, chẳng hạn với hàng hóa vô hình).

Đại biểu Tô Thị Bích Châu

Đại biểu Lê Thanh Xuân, (đoàn Cần Thơ) cũng tán thành với dự Luật Quản lý ngoại thương song đề nghị Chính phủ sớm ban hành danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khi luật này thi hành.

Nhiều đại biểu băn khoăn về hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia. Công tác xúc tiến thương mại giao cho các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng là một vấn đề cần cân nhắc, nếu không có hệ thống tổ chức thống nhất từ trong nước ra nước ngoài thì liệu hiệu quả như mong muốn.

Trong khi đó, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng tình cao với việc ban hành Luật Quản lý ngoại thương. Tuy nhiên, ở các điều 18, 20 và 28 của dự thảo Luật này quy định “cơ quan tổ chức có thẩm quyền, cơ quan liên quan, cơ quan có trách nhiệm” còn rất chung chung. Cần phải nêu rõ tên cơ quan hoặc ghi rõ Chính phủ quy định chi tiết thi hành để tránh giấy phép con.

Đại biểu Dương Minh Tuấn

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) góp ý, ở Chương 2 của dự thảo luật này, phần về chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu còn thiếu sót, chưa đề cập đến các cửa khẩu quan trọng khác.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại kỳ họp lần này sẽ giúp cho ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua. Những đóng góp liên quan đến 5 nhóm vấn đề như phạm vi điều chỉnh; kỹ thuật xây dựng luật; bố cục và từ ngữ; thẩm quyền trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngoại thương, chống lợi ích nhóm, xây dựng môi trường kiến tạo phù hợp với các cam kết giao thương quốc tế

Ngày 26/5, dự kiến, Quốc hội làm việc ở hội trường với các nội dung về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi); dự án Luật Quy hoạch và thảo luận về các nội dung liên quan. Buổi chiều sẽ thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bình luận