Thủ tướng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2022 số tiền 31.392 tỷ đồng cho Bộ Giao thông Vận tải để bố trí kế hoạch vốn cho 5 dự án đã được Quốc hội cho phép chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Trong 5 dự án trên có 1 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) và 4 dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư (cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Bến Lức - Long Thành).
Ngành giao thông dự kiến đến năm 2030 sẽ hoàn thành khoảng 5.000 km đường cao tốc trên cả nước và xây dựng 172 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 29.795 km. Đây là nội dung trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, do Bộ Giao thông Vận tải công bố.
Bên cạnh mục tiêu đến năm 2030 nêu trên, quy hoạch dự kiến đến năm 2050 sẽ hình thành 41 tuyến với 9.014 km cao tốc; quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ; điều chỉnh chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, TPHCM, tuỳ theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn...
Mạng lưới cao tốc đến năm 2050 gồm trục dọc 2 tuyến: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe; cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe.
Cao tốc khu vực phía Bắc 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 - 6 làn xe; miền Trung - Tây Nguyên 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô 4 - 6 làn xe; miền Nam 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe.
Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến cao tốc, chiều dài khoảng 425 km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị TPHCM 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km, quy mô 4 - 8 làn xe.