Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Chủ tịch tỉnh mới thêm nhiều thẩm quyền

VOH - Chiều 3/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉnh lý và hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm xác lập rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã); đồng thời bổ sung một số tiêu chí để làm rõ hơn các quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để phân biệt với đặc khu.

Về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh dự thảo luật phân định rõ thẩm quyền giữa HĐND và UBND; tập thể UBND và cá nhân chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp xã; đồng thời thiết lập cơ chế điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương.

Dự thảo luật bổ sung nguyên tắc thực hiện cơ chế theo dõi, đánh giá, kiểm tra và giám sát nhằm kịp thời điều chỉnh nội dung phân cấp, phân quyền phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ cũng quyết định trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến từ 2 đơn vị hành chính trở lên, nhằm giảm thiểu tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, nâng cao hiệu quả điều hành ở cấp xã.

z613415-bo-truong-bo-noi-vu-pham-thi-thanh-tra-edited-1748935593898
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 

Bổ sung quy định về chủ thể được phân cấp là HĐND cấp tỉnh được phân cấp cho UBND cùng cấp và HĐND cấp xã, nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy định tại các luật hiện hành và thực tiễn của các địa phương hiện nay.

Bổ sung thẩm quyền phân cấp của chủ tịch UBND cấp tỉnh để phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân định, qua đó tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo, điều hành hoạt động trên toàn địa bàn cấp tỉnh.

Về việc bổ sung thẩm quyền phân cấp của chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chính phủ đã rà soát, chỉnh lý dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Tại dự luật quy định trường hợp cần thiết, UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, chủ tịch UBND cấp xã, không để việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp bị đình trệ, ùn tắc, kém hiệu quả.

Bộ trưởng Trà cho hay một số ý kiến đề nghị cần liệt kê cụ thể "các trường hợp cần thiết". Chính phủ cho rằng việc quy định như tại dự thảo đã bảo đảm thống nhất với nguyên tắc phân định thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng.

Nếu liệt kê cụ thể "các trường hợp cần thiết" tại dự luật sẽ không đầy đủ, có thể làm giới hạn phạm vi điều chỉnh của quy định hoặc bỏ sót các trường hợp phát sinh trong thực tiễn.

Việc áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, bảo đảm tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành triển khai công việc ở địa phương được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cấp xã.

Đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp từ chính quyền 3 cấp sang 2 cấp (không tổ chức cấp huyện).

Để bảo đảm quy định chặt chẽ, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp để bổ sung nội dung để việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp không bị đình trệ, ùn tắc, kém hiệu quả.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp thu và bổ sung dự luật yêu cầu trên khi giao UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn, chủ tịch UBND cấp xã.

Việc này để bảo đảm xác định rõ hơn trách nhiệm của cấp tỉnh đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, chủ tịch UBND cấp xã.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ có 23 nhiệm vụ, quyền hạn

Theo Bộ trưởng Trà, Chính phủ đã rà soát, chỉnh lý hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.

Việc này bảo đảm quy định bao quát, đầy đủ, toàn diện, làm căn cứ pháp lý cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Nhằm tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu theo góp ý của các đại biểu, dự luật đã hoàn thiện nội dung phân định giữa nhiệm vụ, quyền hạn chung của UBND và nhiệm vụ, quyền hạn riêng của chủ tịch UBND theo hướng tăng nhiều hơn thẩm quyền của chủ tịch UBND.

Dự luật đã chuyển nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cho chủ tịch UBND thực hiện để bảo đảm việc xử lý nhanh chóng, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động quản lý hành chính ở địa phương.

UBND cấp tỉnh có 12 nhiệm vụ, quyền hạn; chủ tịch UBND cấp tỉnh có 23 nhiệm vụ, quyền hạn; UBND cấp xã có 10 nhiệm vụ, quyền hạn; chủ tịch UBND cấp xã có 17 nhiệm vụ, quyền hạn. Trong khi đó, Luật hiện hành quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh có 15 nhiệm vụ, quyền hạn.

Để đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND, dự luật bổ sung quy định chủ tịch UBND được thay mặt UBND quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND và báo cáo UBND tại phiên họp gần nhất, trừ những nội dung mà luật quy định UBND phải thảo luận tập thể và quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với việc chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp theo hướng phân định rõ hơn thẩm quyền giữa chủ tịch UBND và tập thể UBND như đề xuất của Chính phủ.

Thường trực cơ quan thẩm tra cũng tán thành đề xuất của Chính phủ về việc quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, chủ tịch UBND cấp xã… thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền, để tạo sự linh hoạt cho chính quyền địa phương.

Bình luận