Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Đại biểu thấy người nước ngoài mua đất, xin báo với Bộ TN&MT

(VOH) - Sáng nay (5/6), Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Các vấn đề chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề thứ 2: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Tại phiên làm việc chiều qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời 18 đại biểu chất vấn và 8 đại biểu tranh luận. Trong đó, có 4 ý kiến tranh luận chưa có thời gian trả lời.

Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, những vấn đề được đại biểu chất vấn nhiều nhất là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước những sai phạm và bất cập trong quản lý đất đai tại các địa phương; Tình hình quản lý đất đai tại 3 đặc khu và việc xử lý phân loại rác thải hay thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.

Tham gia tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn TPHCM đã nêu ý kiến về hành lang pháp lý bờ biển, bờ sông.

Ông cho rằng: “Tôi đề nghị Chính phủ ra một quy định là rà soát lại toàn bộ bờ sông bờ biển của Việt Nam và trả bờ sông bờ biển trở về cho đất nước và cho công chúng, không để các nhà đầu tư chiếm hẳn các bờ sông bờ biển như vậy vì điều đó vừa sai Luật vừa bất công đối với người dân”.

 Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc khu kinh tế

Nhiều bãi biển được chủ đầu tư "chiếm hẳn" khiến người dân gặp khó khăn khi ra biển.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay chúng ta đã có Luật về biển, Luật Tài nguyên Môi trường biển, chúng ta cần thực hiện thật tốt theo kỷ cương, kỷ luật để đưa Luật này vào cuộc sống.

“Luật về biển, Luật Tài nguyên Môi trường biển cũng đã có quy định ranh giới cần bảo vệ, có thể sử dụng các mục đích công cộng… Vì vậy tôi cho rằng không cần thêm, mà chỉ cần kỷ cương, kỷ luật và thực hiện thật tốt đưa Luật này vào cuộc sống là được” – bộ trưởng chia sẻ.

Xung quanh thông tin người nước ngoài mua đất ở đặc khu kinh tế, đại biểu Phùng Đức Tiến – Đoàn Hà Nam đặt câu hỏi: “Dư luận cử tri cho rằng, đất đai ở 3 đặc khu vừa qua được mua bán rất phức tạp, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài mua đất. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng để đại biểu có thêm thông tin trước khi ấn nút thông qua Dự án Luật đặc khu kinh tế”.

Trả lời câu này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước chưa phát hiện ra người nước ngoài mua đất mà mới xác định người nước ngoài mua các chung cư. “Nếu đại biểu thấy có người nước ngoài ở đâu mua đất, xin báo với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chúng tôi sẽ xác minh xem là cách thức nào để họ mua được và nếu họ có mua cũng là trái pháp luật của Việt Nam” – ông Hà cho hay.

Cũng tại phiên trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch về xử lý rác. Quan điểm xử lý rác là không thể xử lý theo hộ, theo các quy mô nhỏ lẻ, bởi vì công nghệ nhỏ lẻ không đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là các chỉ tiêu về khí thải, mà phải quy hoạch xử lý theo vùng:

“Thực tế hiện nay xử lý rác theo vùng, các địa phương nào, vấn đề quy hoạch thì Bộ Xây dựng là cơ quan thực hiện. Nhưng theo tôi, các quy hoạch này, thứ nhất, chưa tạo được sự đồng thuận giữa các địa phương trong lựa chọn địa điểm. Thứ hai, trên thực tế, hiện nay chúng ta bố trí rác, cách thức  để xử lý rác còn dàn trải, phân tán, đây là một điều mà dưới góc độ cơ quan môi trường thì thấy là điều không thể được. Trong tương lai, ngay từ hôm nay, chúng ta phải hay đổi tư duy này và chúng ta cần phải xác định xử lý rác theo khu vực”.

Cuối buổi sáng nay, Quốc hội kết thúc phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3: Thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.