Các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn về các vấn đề như: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội;
Giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản QPPL;
Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH;
Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Trả lời chất vấn các Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm, 3.000 người chuyên trách, có 89 tổ chức pháp chế ở Trung ương và 65 phòng pháp chế địa phương.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết nếu so sánh với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực này rất mỏng, rất ít và khó đáp ứng được yêu cầu; một số bộ, ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế.
Nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác này, có nơi chưa biết sắp xếp cán bộ vào đâu thì đưa về pháp chế. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, trong đó điều quan trọng nhất là xây dựng chức danh "pháp chế viên" từ đó có cơ sở xây dựng chính sách cho đội ngũ này.
Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42 với quy định cụ thể về mức chi cho quá trình xây dựng luật, nghị định, thông tư…
Mức chi như vậy rất thấp (như chi cho việc xây dựng một nghị định chỉ 90 triệu đồng) nhưng để có mức chi cải thiện theo Thông tư 42 là cả một quá trình. Quan điểm của Bộ trưởng là cố gắng thu xếp trong khuôn khổ Nhà nước hỗ trợ.
Về công tác kiểm tra văn bản QPPL, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp không "tự động" kiểm tra tất cả các văn bản theo thẩm quyền mà các bộ, ngành phải tự kiểm tra và rà soát, Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc theo thẩm quyền khi văn bản QPPL có dấu hiệu vi phạm (được phát hiện qua nhiều kênh như báo chí, dư luận, tự phát hiện hoặc qua rà soát).
Trả lời câu hỏi đại biểu liên quan đến sợ trách nhiệm, Bộ trưởng khẳng định có tình trạng này, nhưng để lượng hóa rất khó, có tình trạng đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc do tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng cho rằng, do không xem xét các vấn đề trên tổng thể mà đổ lỗi do pháp luật; một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng "tiện cho mình" hoặc hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, hành chính hóa..