Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp hôm nay rất quan trọng. Bên cạnh việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023.
Thủ tướng đề nghị thảo luận, phân tích kỹ lưỡng các vấn đề để đưa ra giải pháp thời gian tới, trên tinh thần kết quả năm 2023 phải cao hơn năm 2022 như chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Báo cáo tình hình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mặc dù vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho quý 3 và cả năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 2,96% so với cùng kỳ, bình quân 8 tháng tăng 3,1%, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm; sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng khá. Khu vực dịch vụ tăng nhanh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,6% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 8 tháng đạt khoảng 103.700, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tăng trưởng kinh tế còn đối mặt nhiều thách thức khi thấp hơn mục tiêu đề ra, đặc biệt là khu vực công nghiệp và xây dựng, xuất nhập khẩu.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, đầu tư tư nhân trong nước chỉ tăng 2,1%, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm, thu hút dự án lớn gặp khó; tăng trưởng tín dụng đến 28-8 chỉ đạt 5,16%...
Một số cơ chế chính sách chậm sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thủ tục hành chính được cắt giảm nhưng một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp.
Để đạt kết quả mục tiêu tăng trưởng năm nay 6,5%, ông Nguyễn Chí Dũng đề xuất thúc đẩy thị trường trong nước và tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, nhất là nông sản.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư lưu ý, các cấp, ngành và địa phương cần thu hút dự án FDI có quy mô lớn, bỏ những thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp và đẩy nhanh xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi…