Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đặt câu hỏi về hiện tượng trục lợi trong báo chí, đặc biệt là việc phóng viên bị xử lý hình sự. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mỗi năm có khoảng 14-15 phóng viên bị bắt, chủ yếu từ các tạp chí nhỏ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, so với 21.000 nhà báo có thẻ và hơn 41.000 người hoạt động trong ngành báo chí, số vi phạm này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh.” Ông giải thích tình trạng vi phạm xảy ra nhiều ở các tạp chí nhỏ, do sự lỏng lẻo trong quản lý của cơ quan chủ quản và tổng biên tập.
Để ngăn chặn tình trạng “báo hóa” tạp chí, Bộ TT-TT đã đưa ra các tiêu chí rõ ràng, công bố tôn chỉ của từng cơ quan báo chí để xã hội giám sát. Bộ cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân từ chối trả lời nếu nội dung phóng viên hỏi không phù hợp với tôn chỉ của tạp chí đó.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, Bộ TT-TT đã ban hành quy định xử lý trách nhiệm của Tổng biên tập nếu phóng viên của họ vi phạm. Đặc biệt, trong quá trình sửa đổi Luật Báo chí, Bộ trưởng mong muốn nâng cao tiêu chuẩn đối với nghề báo, vì ngành này có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng.
Trả lời về giải pháp phát triển kinh tế báo chí, Bộ trưởng cho biết mạng xã hội đã lấy đi 80% quảng cáo trực tuyến của báo chí. Trong kế hoạch sửa luật sắp tới, sẽ có mục về kinh tế báo chí, cho phép một số cơ quan báo lớn kinh doanh nội dung, nhưng vẫn giữ mục tiêu báo chí.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng báo chí cần tạo sự khác biệt với mạng xã hội, sử dụng công nghệ để tăng cường độc giả và thu hút quảng cáo.