Đăng nhập

Bộ Xây dựng siết chặt quản lý, truy gốc các dự án kéo dài, gây lãng phí

00:00
01:59
01:59
VOH - Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm và đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để ngăn chặn tình trạng này.

Đây là một trong những nội dung trọng tâm của văn bản triển khai Chỉ thị số 8/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Bộ Xây dựng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư kéo dài, chậm tiến độ hoặc ngừng thi công.

Theo đó, Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan cập nhật, bổ sung báo cáo về tình hình xử lý các dự án tồn đọng, dừng thi công, nhằm hoàn thiện báo cáo tổng thể gửi Bộ Tài chính và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3/2025.

Cang dung qucoXem toàn màn hình
Ảh minh hoạ: TTO

Cùng với rà soát dự án, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra, sửa đổi các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây ách tắc trong quản lý và giải ngân đầu tư công. Việc phân cấp, phân quyền cần được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho địa phương chủ động triển khai, đồng thời tăng tính trách nhiệm.

Bộ cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hệ thống quản lý ngành xây dựng. 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận và xử lý trên Hệ thống thông tin cấp bộ, cấp tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc tái cấu trúc quy trình, tích hợp dịch vụ trực tuyến cũng phải được ưu tiên trong thời gian tới.

Một giải pháp đột phá được nhấn mạnh là thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số toàn diện. Theo đó, các cơ quan cần ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát các dự án xây dựng. Bộ Xây dựng lưu ý phải đồng bộ hạ tầng số và liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, tránh vận hành hệ thống riêng lẻ dẫn đến phân mảnh và kém hiệu quả.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ cũng được yêu cầu chủ động hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống lãng phí.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh: công tác phòng chống lãng phí không chỉ là yêu cầu quản lý hành chính mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

 
Bình luận