Chờ...

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường xét nghiệm, chẩn đoán bệnh bạch hầu

VOH - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang trước tình hình dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại 2 tỉnh này.

Nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Bach hau 2024
Ảnh minh hoạ: VNVC

Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (hội chẩn để sử dụng và được phân bổ huyết thanh) và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.

Đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị. 

Sở Y tế các tỉnh trên sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

Các đơn vị tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt…

Triển khai việc cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.

Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.

Tỷ lệ tử vong cao nếu người bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời do bệnh có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao.

Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.

Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong.