Buôn lậu ở biên giới An Giang (Phần 1) - Theo chân cửu vạn

(VOH) - Trong vai người đi tìm mối để buôn hàng lậu về TPHCM, chúng tôi đã tiếp cận tình hình buôn lậu qua phản ánh của thính giả.

Với chiều dài hơn 100 km, tuyến biên giới tỉnh An Giang gồm các cửa khẩu quốc tế với 2 cửa chính và 1 cửa phụ (Tịnh Biên - Gò Tà Mâu, Long Bình), 3 lối mở và hàng chục đường tiểu ngạch tùy theo mùa khô hay mùa nước nổi.

Trong khi lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh ngày đêm truy quét thì ở một không gian ngầm, các cửu vạn, chủ hàng lậu vẫn dập dìu đưa hàng qua biên giới đều đặn bằng đường tiểu ngạch và các lối tự mở với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh mà lực lượng chức năng không phát hiện được, hoặc có phát hiện vẫn rất khó để có thể truy bắt.

Lên "gò"

Rất khó khăn chúng tôi mới được một cửu vạn sẵn sàng hỗ trợ “đường đi nước bước” để vận chuyển hàng. Theo lời khuyên, chúng tôi nên đi đường tiểu ngạch ngang cửa khẩu gần thành phố Châu Đốc, cách biên giới Campuchia chừng 4 km, bởi dân buôn hàng điện tử và thuốc lá thường tập trung đi ngõ này, còn phía cửa khẩu Tịnh Biên chủ yếu là buôn đường cát Thái Lan.

Cửu vạn đai hàng về các tỉnh.

Tầm khoảng 15 giờ, mặt trời chếch hướng tây, chúng tôi được một cửu vạn đưa lên “gò” (tiếng lóng dân buôn lậu ám chỉ cửa khẩu Gò Tà Mâu) để sang biên giới xem các điểm tập kết hàng và tham quan các casino, trường gà… Đây cũng là thời điểm dân buôn lậu rải người cảnh giới tại các chốt có cơ quan chức năng, đợi thời cơ thích hợp sẽ tuồn hàng qua biên giới bằng các vỏ lãi (một loại ghe máy) công suất cao.

Ngồi trên vỏ lãi, bốn bề sông nước dọc đường biên giới, chúng tôi được giới thiệu hàng chục kho chứa hàng đủ loại và từng tốp cửu vạn với xe máy, vỏ lãi sẵn sàng cho các chuyến hàng vượt biên về Việt Nam khi mặt trời tắt hẳn. Theo lời của cửu vạn thì đây là thời cơ thích hợp nhất vì cơ quan chức năng chuẩn bị giao ca nên lực lượng khá mỏng, với số lượng “đai” hàng khá nhiều, nếu có bắt cũng bù lỗ cho mỗi chuyến đi.

Trong tất cả đường tiểu ngạch thì hai mặt hàng thuốc lá (Jet và Hero), đồ điện tử gia dụng được tập kết nhiều từ Gò Tà Mâu bằng vỏ lãi, sau đó được các cửu vạn đai hàng qua Khóm 7, Cái Dầu, Kênh Đào, ấp Vĩnh Phú, Vĩnh Chánh, Khóm Tân Biên… đi về các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, TPHCM… Đặc điểm dễ nhận biết của chuyến buôn lậu này là đánh nhanh rút gọn, không để hàng ứ đọng bất kỳ điểm nào trong địa bàn Tịnh Biên hay Châu Đốc, thời gian và địa điểm cũng không cố định.

"Theo dõi" lực lượng chức năng

Một cửu vạn tên Tài cho biết cách “đai” hàng để tránh lực lượng chức năng: "Hàng mình tập kết về đợi trên Khóm 7, chừng nào “nó” (ý nói lực lượng chức năng) túa ra thì mình đi theo “nó” mới được.

Giả tỷ mình thấy không ai đi mà xách xe chở hàng đi là coi chừng đó. Nếu có động thì cứ ngồi chơi và đợi, hàng hóa để mỗi nhà vài bao, khi nào đường êm là thảy lên xe đi liền, chứ khơi khơi đi là bị công an “dớp” liền".

Có thâm niên trong nghề, một cửu vạn tên Thắng cho biết, tùy theo mùa và từng thời điểm mà các chủ hàng trả giá cao hay thấp. Trung bình mỗi chuyến đai hàng xuyên biên giới các cửu vạn được trả công từ 1.000- 1.500 đồng/ cây thuốc lá (trung bình mỗi đai từ 30 đến 50 cây) mỗi ngày từ 2-3 chuyến. Mặt hàng điện tử cũng với giá tương tự cho mỗi chuyến.

Riêng đường cát Thái Lan được các đầu nậu tập kết về bên kia biên giới, sau đó san vào các bao nhỏ mang nhãn hiệu VN cùng với chứng từ “ma” trôi nổi trên thị trường để hợp thức hóa nhằm qua mặt hải quan đi thẳng qua đường chính ngạch.

Đối với các thanh niên địa phương không có công ăn việc làm ổn định thì đai hàng cho các đầu nậu là phương cách kiếm tiền nhanh và hiệu quả nhất, mặc dù biết đây là hành vi phạm pháp, hiểm nguy lúc nào cũng chực chờ bên mình. Cửu vạn này cho biết thêm: "Ở đây việc đai hàng cứ lòn lách các ngõ ngách mà đi thôi, dân buôn thường đi khuất tầm nhìn của lực lượng, nếu gác đường này thì đi đường khác, nếu làm rát quá thì ém hàng ngồi chờ.

Mùa nước nổi thì đi bằng ghe, còn mùa khô thì đai trên lưng khoảng 25 – 30 cây rồi cõng đi đường đồng, cũng có nhiều đường để vào thành phố Châu Đốc lắm. Tại vì trên đồng là ranh của Campuchia kéo dài tới cửa khẩu Tịnh Biên nhưng mà phạm vi của Châu Đốc thì vào chỉ mấy cây số, nếu có biên phòng hay cảnh sát kinh tế thì người coi đường sẽ điện thoại báo để đi đường khác".

Kênh Vĩnh Tế - nơi được xem là thủ phủ để tập kết hàng lậu bên kia biên giới về VN bằng vỏ lải, ghe có máy công suất cao.

Phiên bản "Người vận chuyển"

Trên các tuyến đường đường mà cửu vạn dẫn chúng tôi qua, hầu như mỗi chốt đóng của lực lượng chức năng đều có người của chủ hàng lậu canh gác.

Khi lực lượng chức năng vừa rời địa bàn thì từng tốp cửu vạn túa ra với đai hàng chật cứng trên lưng, trên xe gắn máy, gầm rú “mở tốc”, chưa đầy 30 giây đã mất hút trên các cung đường vào thành phố Châu Đốc. Nếu có phát hiện cũng không kịp truy đuổi vì các đối tượng này rất nguy hiểm và liều lĩnh.

Một người dân sống trên quốc lộ 91 thành phố Châu Đốc cho biết: "Tụi nó chạy không kể giờ giấc. Tuy nhiên, có công an là nó không có chạy, ai mua hàng thì cứ điện thoại để đem hàng tới. Mấy đứa đi “đai” nhiều lắm, từ mờ sáng đã đi rồi, tụi nó chạy nhanh dữ lắm".

Hàng ở đâu cũng có

Ở thế giới "ngầm" này thì việc mua hàng lậu bao nhiêu cũng có và thị trường này cũng sôi động không kém. Theo chỉ dẫn của một cửu vạn, chúng tôi ghé lại một quán tạp hóa bên đường ngay giữa lòng thành phố Châu Đốc đề nghị mua 200 bao thuốc lá và nhận được ngay cái gật đầu không do dự của chủ tiệm với điều kiện chờ 30 phút để lấy hàng.

Ngoài ra, họ còn chỉ cho cách đi hàng về TPHCM cho an toàn: "Mua 100 – 200 cây là số lượng nhiều, còn nếu mua khoảng 20 - 30 cây thì đợi tui hỏi giá rồi mua dùm cho, cứ đi như khách du lịch là không ai biết. Có ông khách thường xuyên lên đây mua mỗi lần vài chục cây chạy xe honda về nên không ai bắt".

Có một điểm đặc thù ở khu vực vùng biên này là người lạ rất khó thâm nhập vào đường dây buôn lậu bởi vì họ rất cảnh giới, ngay cả người dân địa phương cũng dè chừng không dám tố cáo hay tiếp xúc với người lạ vì sẽ bị “hỏi thăm” ngay lập tức.

Những ngày cuối ở tỉnh An Giang, chúng tôi rất khó khăn khi tiếp cận các cơ quan chức năng để tìm hiểu thêm về công tác phòng chống buôn lậu nơi đây. Trên tuyến đường từ An Giang về TPHCM lúc chạng vạng tối, chúng tôi vẫn bắt gặp từng tốp các cửu vạn đai hàng quanh người chạy về các tỉnh nhưng vẫn không thấy lực lượng chức năng nào kiểm tra…

>>>>> Buôn lậu ở biên giới An Giang (Phần 2) - "Cuộc chiến" không có hồi kết