Các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19

(VOH) -  Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi nước ta đang bước sang thời kỳ mới: vừa chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế.

 Do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu hãy phát huy trí tuệ góp phần cùng với Chính phủ và các bộ ngành đưa đất nước vượt qua khó khăn: “Các đại biểu cần nghiên cứu kĩ đánh giá khách quan, thảo luận kĩ để xác định các mục tiêu phát triển kinh tế, hoàn thành kế hoạch năm và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dành nhiều thời gian báo cáo về phòng chống dịch COVID-19 và những giải pháp trọng tâm về phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Thủ tướng cho rằng thắng lợi bước đầu quan trọng này là kết quả của sự quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của Nhân dân cả nước. Điều này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,08% do khó khăn rất lớn trong xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tăng 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và khó khăn thị trường đầu ra. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, chế biến gỗ, thủy sản... sụt giảm mạnh.

Trước những khó khăn hiện nay, Thủ tướng kêu gọi cả nước hãy đồng lòng để biến thách thức thành thời cơ: “Tất cả chúng ta cùng thay đổi tư duy phát triển, thay đổi cách làm, tận dụng thời cơ, tìm mô hình phát triển mới. Tận dụng tốt cơ hội thị trường, xu hướng đầu tư và chuyển dịch trong toàn cầu”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Trong ngày làm việc đầu tiên Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA)) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu cùng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Trong phiên thảo luận hầu hết các Đại biểu Quốc hội đều đánh giá tầm quan trọng của 2 Hiệp định này và cho rằng cần thiết được phê chuẩn tại kỳ họp này để góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ví việc Quốc hội bấm nút thông qua 2 Hiệp định này như bấm nút thông xe đường cao tốc mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế: “Hiệp định sẽ giúp doanh nghiệp bức phá sau dịch, kỳ họp này Quốc hội bấm nút phê chuẩn này cũng giống như bấm nút thông xe đường cao tốc cho doanh nghiệp Việt đến thị trường Châu Âu”

Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA được phê chuẩn sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích, đồng  thời thu hút được dòng đầu tư nước ngoài có chất lượng từ châu Âu.  Bên cạnh đó thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phân tích đây là “cơ hội tăng sức chống chịu cho nền kinh tế, mà còn tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc  vào 1 số thị trường nhất định. Khi Hiệp định thông qua hàng hóa của Việt Nam sẽ được giảm đến 99% thuế, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp”.

Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế. Cùng với những thuận lợi, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA có thể mang lại một số thách thức nhất định. Khi Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.

Trong ngày làm việc hôm nay 21/5, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp, Luật Giám định tư pháp.

Xây dựng 2 đoạn đường bộ ven biển tỉnh Thanh HóaXây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

 

Công khai, minh bạch mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19: Công khai, minh bạch và chất lượng tránh tình trạng thông đồng, đẩy giá hàng hóa lên cao nhằm trục lợi tiền ngân sách nhà nước.