Sáng 20/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình, báo cáo thuyết minh và báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) - một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn EVFTA.
Hiệp định toàn diện, chất lượng cao
Trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung.
Hiệp định này điều chỉnh nhiều vấn đề, bao gồm: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.
Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Sức ép cạnh tranh sẽ không lớn
Về các thách thức và giải pháp, theo Tờ trình của Chủ tịch nước, bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định có thể mang lại một số thách thức nhất định.
Thứ nhất, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.
Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Mặt khác, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.
Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Thứ hai, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững... để thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của ta.
Tuy nhiên, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đối mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ cũng đã và đang triển khai hết sức chủ động, khẩn trương.
Thứ ba, các cam kết về lao động trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững với sự tham gia của đại diện người lao động, đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi Hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam.
Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh VGP
Giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm thực thi
Về việc phê chuẩn và thời điểm phê chuẩn EVFTA, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, theo quy định về hiệu lực của EVFTA, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định có hiệu lực. Các bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để đưa Hiệp định vào thực thi.
Về thẩm quyền và thời điểm phê chuẩn đối với Việt Nam Hiệp định có một số nội dung trái với luật của Quốc hội, căn cứ khoản 14, Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và điểm d, khoản 1, Điều 29 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định phê chuẩn EVFTA. Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét phê chuẩn EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở phê chuẩn của hai bên, Việt Nam và EU sẽ thống nhất về thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực với cả hai bên.
Do đó, Tờ trình của Chủ tịch nước kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa EVFTA vào thực thi vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của Hiệp định cũng như quy định pháp luật của mỗi bên.
Đối với vấn đề Anh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng Hiệp định này với Anh (do Anh cũng là một bên tham gia ký kết EVFTA) cho đến hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).
Bên cạnh đó, Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định. Đối với những cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp (có Phụ lục kèm theo hồ sơ trình).
Nhằm bảo đảm thực thi Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát, hoàn thiện Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các quy định của EVFTA. Kết quả rà soát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 2 luật, 1 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng…
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Ảnh VGP
Kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn
Trình bày báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA đúng với quy định tại Khoản 14 Điều 70, Khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013; Điều 18, Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và các quy định khác trong Luật Điều ước quốc tế 2016.
Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA đảm bảo theo quy định tại Điều 31 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 về hồ sơ trình phê chuẩn điều ước quốc tế.
Dự kiến Kế hoạch thực hiện EVFTA đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, tuy nhiên cần chi tiết hơn nữa, quy định sự phối hợp, phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan liên quan và có lộ trình, mốc thời gian triển khai cụ thể.
Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại một kỳ họp và tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV; cho phép áp dụng Hiệp định này với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31/12/2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Đồng thời, giao Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương với Anh trên cơ sở EVFTA với những điều chỉnh phù hợp đảm bảo lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho EVFTA khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.
Chủ động tận dụng, phát huy tối đa các lợi ích
Đối với Chính phủ, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị cần chỉ đạo Bộ, ngành tiếp tục phân tích, đánh giá tác động của Hiệp định theo phương pháp tính toán định lượng trên tất cả các lĩnh vực, cập nhật bổ sung đánh giá tác động của Hiệp định do đại dịch COVID-19 gây ra để chủ động tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức và giảm thiểu các tác động tiêu cực trong quá trình triển khai Hiệp định.
Ngoài ra, bổ sung đánh giá tác động đa chiều với các đối tác khác nhau, các đối tác cùng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với Việt Nam, đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam khi tham gia Hiệp định.
Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để không chỉ bảo đảm thực thi các cam kết trong Hiệp định theo đúng lộ trình mà còn chủ động tận dụng và phát huy tối đa các lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Chính phủ cũng cần hoàn thiện và cụ thể hóa Kế hoạch thực hiện Hiệp định, áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác phổ biến, tuyên truyền nhanh, kịp thời đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố các cơ chế tham vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam để chủ động tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức, giảm thiểu các tác động tiêu cực, mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước.
Trong báo cáo Quốc hội hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, đề nghị Chính phủ có đánh giá định lượng về kết quả và hiệu quả thực hiện Hiệp định trên các mặt kinh tế - xã hội so với các chỉ tiêu dự kiến đề ra khi trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định.
Trong phiên họp chiều nay (20/5), Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn EVFTA.