Chờ...

Các hồ chứa nước tại Trung Quốc xả lũ, nhiều tỉnh phía Bắc gấp rút ứng phó

(VOH) - Mưa lũ đã làm ảnh hưởng tới nhiều khu vực tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu…

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về tình hình xả lũ tại Trung Quốc, ngày 20/08, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai đã có công văn số 362/SNV-LS thông báo Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) xả lũ từ 9h - 17h ngày 20/08/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 09/CĐ-TWPCTT ngày 20/08/2020 chỉ đạo các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng ứng phó với lũ có thể xảy ra do mưa lớn và xả lũ của các hồ chứa trên địa phận Trung Quốc.

Văn phòng thường trực có văn bản số 329/VPTT gửi Tổng cục Khí tượng thủy văn Quốc gia để xác nhận, cung cấp thông tin và đánh giá ảnh hưởng của việc xả lũ.

lũ lụt, xả lũ
Cầu đường sắt Nga Quán, h(uyện Trấn Yên bị nước dâng cao sát đường ray. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia có công văn số 525/DBQG nhận định với giả thiết lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc tăng thêm khoảng 1.000-1.500 m3/s, mực nước sông Thao tại Lào Cai có khả năng lên nhanh và đạt mức báo động (BĐ) 2 đến trên BĐ2 khoảng 1m. Mực nước tại Yên Bái trong 36 giờ sẽ tăng lại và đạt mức BĐ2-BĐ3.

Đến 5h sáng ngày 21/08/2020, mực nước trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai tăng 0,88m trong thời gian từ 21h ngày 20/08 đến 5h ngày 21/08, lên mức 80,55m, trên BĐ1 0,55m, mực nước lúc 7h là 80,43m. Hiện tại thành phố Yên Bái nước đã rút, không còn diện tích ngập lũ. Các khu vực khác trên địa bàn Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc chưa có thông tin ngập lụt.

7 người chết và 1 người mất tích, 4 người bị thương.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ngày 20/08/2020, mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc đã khiến 7 người chết và 1 người mất tích, 4 người bị thương. Khoảng 250m đường bê tông bị nứt, lún, gãy tại tỉnh Sơn La. Tại tỉnh Lai Châu: 06 nhà bị ảnh hưởng; quốc lộ 4H bị sạt lở 3 vị trí với khối lượng đất đá khoảng 10.000 m3, Quốc lộ 32 tại vị trí K350+410 bị hư hỏng 1 cống quá đường và sạt 2/3 mặt đường bê tông nhựa... 

Ngoài lũ quét, ngập úng, mưa lớn còn làm 1.004 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phải di dời khẩn cấp tại các tỉnh thành trên. Về sản xuất có 1.660ha lúa và 433ha hoa màu bị thiệt hại; nhiều gia súc và gần 1.000 con gia cầm bị cuốn trôi.

Một số tuyến đường tỉnh, liên xã bị sạt lở đất đá với tổng khối lượng 67.458m3. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 45,3 tỉ đồng. Do ảnh hưởng của mưa lũ, nước tại các sông đang lên nhanh. Cảnh báo mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên cao. 

Mưa lũ còn diễn biến phức tạp 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 20 - 22/08 các tỉnh phía Bắc tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa 100-120mm. Đồng thời dự báo trong 12 giờ tới mực nước sông Thao tại Yên Bái lên mức 30,90m (dưới BĐ2: 0,10m)

Dự báo từ 12 giờ đến 24 giờ tiếp theo: mực nước tại Yên Bái sẽ biến đổi chậm ở mức 30,80m (dưới BĐ2: 0,20m).

Như vậy, từ nay đến ngày mai (22/08), ở khu vực Đông Bắc, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông (phổ biến 20-50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h); khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (phổ biến 40-80mm/24h, riêng Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái có nơi trên 100mm/24h).

Mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên lại và xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng lên mức BĐ2; thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức BĐ1 - BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: Lào Cai, Yên Bái.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đề nghị các địa phương tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn.

Đặc biệt, các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc cần tổ chức theo dõi, cảnh báo đến các thôn, bản, trực chiến 24/24 giờ nhằm xử lý các tình huống có thể xảy ra. 

Các tỉnh miền núi phía Bắc và bắc Tây Nguyên phải kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu. Các tỉnh cần bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết hồ, đập và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

"Lực lượng tại các tỉnh phải theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội ở ven sông, bãi sông và các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở. Sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn" - ông Thành yêu cầu.

2 người thiệt mạng do mưa lớn và thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ - Đến 12 giờ ngày 11/8, mưa lớn cùng với Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ đã làm 2 người tử vong, ngập gần 3.000ha đất nông nghiệp, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng ở tỉnh Đồng Nai.

Giải cứu kịp thời 6 người dân bị mắc kẹt khi thuỷ điện Đa Nhim xả lũ - Từ đêm 29 đến trưa 30/12, Nhà máy thủy điện Đa Nhim ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, liên tục xả lũ đã khiến mực nước sông Đa Nhim dâng cao, gây ngập nặng phía hạ lưu thuộc địa bàn huyện Đơn Dương.