Các quy định có hiệu lực trong tháng 9

(VOH) - Từ 1/9/2016, nhiều quy định pháp luật chính thức đi vào đời sống.

 

Pháp lệnh quản lý thị trường trong đó quy định những việc công chức quản lý thị trường không được làm. Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: internet

Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 nhiều điểm mới

Luật bổ sung nhiều trường hợp được miễn thuế, chuyển từ đối tượng được hoàn thuế sang miễn thuế. Cụ thể chuyển từ hoàn thuế sang miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư sản xuất xuất khẩu. miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập có thời hạn.

Ngoài ra sửa đổi về miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất của dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư.

Tại Khoản 2, 3 Điều 5 và Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 11 Luật thuế XK, thuế NK có quy định các biện pháp về thuế để tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử trong nhập khẩu hàng hóa.

Một số điểm mới khác như đổi mới về cách tính thuế, tách biệt từng loại thuế, bổ sung quy định về loại thuế suất.

Những việc quản lý thị trường không được làm

Pháp lệnh quản lý thị trường trong đó quy định những việc công chức quản lý thị trường không được làm. Đó là kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự, thủ tục; Cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.

Công chức quản lý thị trường cũng không được tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường.

Tăng lương hưu, trợ cấp đối với cán bộ, công chức

Theo Thông tư 23/2016 của bộ Lao động - Thương binh -Xã hội có hiệu lực từ ngày 01/9/2016 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, đối tượng là người có mức lương hưu, trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng được điều chỉnh như sau:

- Đối với người có mức lương hưu từ 1,75 triệu đồng/tháng trở xuống: Mức lương hưu sau điều chỉnh = Mức lương hưu trước điều chỉnh + 0,25 triệu đồng/tháng.

- Đối với người có mức lương hưu trên 1,75 triệu đồng/tháng: Mức lương hưu sau điều chỉnh = 2 triệu đồng/tháng.

- Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ 1,85 triệu đồng/tháng trở xuống: Mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng sau Điều chỉnh = Mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng trước Điều chỉnh + 0,15 triệu đồng/tháng.

- Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng trên 1,85 triệu đồng/tháng: Mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh = 2 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Thông tư 23/2016 còn hướng dẫn cách tính lương hưu tăng thêm đối với người bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trong thời gian từ ngày 01/01/2015 đến trước ngày 01/5/2016;  Giáo viên mầm non có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở.

Hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho mỗi học sinh đặc biệt khó khăn

Từ ngày 01/9/2016, Nghị định 116/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, mức hỗ trợ mới đối với các đối tượng này như sau:

- Hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng/học sinh, tiền nhà bằng 10% mức lương cơ sở/tháng/học sinh nếu phải tự túc chỗ ở và 15kg gạo/tháng/học sinh (các mức hỗ trợ không quá 9 tháng/năm/học sinh).

- Trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh.

Quảng cáo hóa chất y tế không có Giấy xác nhận bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng

Theo Nghị định 115/2016 của Chính phủ, hành vi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng không có Giấy xác nhận quảng cáo do Bộ Y tế cấp sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; trường hợp quảng cáo không đúng theo Giấy xác nhận quảng cáo bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đây là Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/9/2016.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi xếp, để sản phẩm phân bón lẫn với nguyên liệu sản xuất tại nhà xưởng sản xuất phân bón; xếp, để sản phẩm phân bón tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất mà không kê lên kệ.

Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người không có trình độ chuyên môn một trong các chuyên ngành như lý, hóa, sinh học, nông nghiệp để sản xuất phân bón.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sang chai, chiết lẻ hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế từ bao gói khối lượng lớn thành chai, gói nhỏ để buôn bán;