Các quy định mới có hiệu lực từ tháng 11/2016

(VOH) – Thêm nhiều biển báo giao thông, việc nạo phá thai vì dị tật bào thai chỉ xem xét khi có sự chấp thuận bằng văn bản của người mang thai là hai trong số những quy định mới đáng chú ý, có hiệu lực từ tháng 11/2016.

Nhiều thay đổi trong các báo hiệu giao thông đường bộ từ 1/11 trên toàn quốc. Hình minh họa. Phương Ngyuệt

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QC 41:2016) chính thức có hiệu lực từ 1/11

Theo đó, một số các báo hiệu đường bộ như vạch kẻ đường, biển báo, tín hiệu giao thông….được thay đổi, rõ ràng, chặt chẽ và đầy đủ hơn so với quy chuẩn 41:2012. Người tham gia giao thông cần cập nhật.

Đáng chú ý, quy chuẩn thay đổi ý nghĩa biển báo cấm rẽ trái không có nghĩa là cấm quay đầu xe như trước kia, đồng thời bổ sung biển báo “cấm rẽ trái và quay đầu xe”, “cấm rẽ phải và quay đầu xe”. Ngoài ra, còn bổ sung quy định phải có biển báo hạn chế tốc độ tối đa trung gian để khắc phục tình trạng trên một đoạn đường, người tham gia giao thông phải hạ tốc độ đột ngột. Việc đậu xe ô tô “ghếch bánh” (tức nửa trên vỉa hè, nửa dưới lòng đường) nay cũng được đưa vào quy định

Quy chuẩn 41:2016 có hiệu lực từ 1/11/2016

Đánh giá học sinh tiểu học theo 3 mức

Có hiệu lực từ 6/11/2016, thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 quy định có 3 mức đánh giá học sinh tiểu học: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kì và cuối mỗi học kì.

Thông tư 22 cũng quy định, thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng.

Quy định chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả

Thông tư số 32/2016/TT-BYT quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ 1/11/2016.

Theo đó, các chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả gồm: Chi phí đi lại tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế: xác định theo giá ghi trên vé, hóa đơn, hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện. Đồng thời, chi trả chi phí liên quan đến y tế…

Quy định việc nạo, phá thai:

Thông tư 34/2016/TT-BYT quy định việc sàng lọc, chẩn đoán và xử trí trước sinh đối với phụ nữ mang thai chỉ được thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh có giấy phép hoạt động, có phạm vi chuyên môn kỹ thuật phù hợp và phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, trừ trường hợp người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Thông tư quy định việc chấm dứt thai kỳ chỉ được xem xét khi có bất thường nghiêm trọng về hình thái, cấu trúc của bào thai, nguy cơ tàn phế cao; có bất thường nhiễm sắc thể; bào thai có bệnh di truyền phân tử do đột biến gen mà không có phương pháp điều trị đặc hiệu...

Việc chấm dứt thai kỳ vì lý do dị tật bào thai được xem xét khi có sự đồng ý bằng văn bản của người phụ nữ mang thai sau khi đã được cán bộ y tế tư vấn đầy đủ. Thông tư do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 10/11.

Bổ sung mức phụ cấp đối với số chức danh tư pháp và thanh tra trong quân đội

Quyết định 42/2016/QĐ-TTg bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/11/2016 bổ sung mức phụ cấp đặc thù đối với một số đối tượng như sau:

- Mức 15% đối với Chấp hành viên thuộc cơ quan Thi hành án Bộ Tổng Tham mưu.

- Mức 10% đối với Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân, Bộ Tổng Tham mưu.