Cách phòng tránh và xử trí khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

(VOH) - Liên tục trong mấy ngày gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tràn lan ở ngoại thành TPHCM, thậm chí ở nội thành cũng có.

Ngày 22/6, người dân ở Nguyễn Trãi, Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) đã một phen hú vía khi đang mua sắm ven đường thì một con rắn lục đuôi đỏ xuất hiện làm cho đám đông náo loạn.

Tình trạng này đã khiến cho người dân ở các khu dân cư, đặc biệt là khu vực ngoại thành như Quận 12, Gò Vấp phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ.

Một con rắn lục đuôi đỏ bị người dân đập chết tại Q.12. - Ảnh: TNO

Rắn lục hay sống ở các bờ, bụi ven kênh rạch

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã tìm về phường Thành Lộc, quận 12. Người dân nơi đây cho biết, nhiều ngày qua, những địa điểm ven sông Sài Gòn xuất hiện nhiều rắn lục đuôi đỏ một cách bất thường. Một vài người đã bị rắn cắn phải nhập viện cấp cứu.

Bà Đỗ Thị Lệ, sống ở khu phố 3C, phường Thạnh Lộc quận 12 cho biết, có lần trong lúc sáng sớm bà thấy một con rắn lục đuôi đỏ bò trên đường. Ngay ngày hôm đó, nghe báo chí nói rắn lục đuôi đỏ xuất hiện rất nhiều ở TPHCM, đặc biệt là các huyện ngoại thành bà càng cảm thấy lo lắng: "Tôi đang hoang mang, do đó cũng lo phát dọn gần nhà, không để cho bụi rậm um tùm. Tôi cũng dặn người nhà, con cháu khi đi ngoài đường tránh, không đi gần các bụi cỏ, rác".

Ông Lê Văn Bảy, người dân sống ở khu vực đường TL19, phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng cho hay, ông nhiều lần gặp phải rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở các lùm cỏ ven đường, dọc theo các con kênh. Và thậm chí có lần chúng còn bò vào ẩn nấp cả trong nhà ông: "Thời gian qua, tôi cũng nghe nói loại rắn này đã xuất hiện và cắn rất nhiều người. Tôi nghe nhưng mà chưa bao giờ thấy. Hôm rồi tôi mới đập một con khi nó bò vô phòng tôi, tôi tưởng nó chỉ là loại rắn xanh thôi nhưng khi đem ra xem thì thấy là cái đuôi của nó màu đỏ. Cái đầu nó như con rắn hổ mang vậy, rất khác lạ với những con rắn mình hay thấy từ xưa nay".

Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi thường hay tiếp nhận các ca bệnh nhân bị rắn cắn trong mấy ngày qua. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ trong 3 tuần, từ ngày 1-25/6, đơn vị này đã tiếp nhận đến 111 trường hợp, trong đó có 80 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ngày 25/6 có một thai phụ nhập viện trong tình trạng vết cắn sưng to, biểu hiện rối loạn đông máu. PGS-TS Trần Quang Bính. Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: "Khi bệnh nhân bị rắn cắn tăng đột biến như thế này thì chúng ta có thể thấy việc này liên quan đến vấn đề thời tiết. Thời điểm này, trời hay mưa. Khi mưa nhiều, rắn sẽ di chuyển để bò từ nơi này đến nơi khác, từ đó có thể làm gia tăng bệnh nhân bị rắn cắn lên".

Cách phòng tránh và xử trí khi bị rắn cắn

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam): Thực ra, ngoài rắn lục, rắn lục đuôi đỏ còn có 4-5 loài khác nữa. Vùng phân bố của chúng rất rộng, cũng có nghĩa là môi trường sống của chúng ở khắp nơi trên cả nước. Đặc tính của chúng là hay sống ở các bờ, bụi; ăn các loại ếch, nhái, cá, côn trùng... Vì phải săn mồi nên nơi nào có nhiều ếch nhái, côn trùng sẽ là yếu tố thu hút loài rắn lục đuôi đỏ. Ở môi trường sinh cảnh sống phù hợp, loại động vật nguy hiểm này sẽ sinh sôi nảy nở và đó chính là mối đe dọa cho nhiều người. "Không có bằng chứng, chứng cứ nên không thể biết được là vì sao nó lại xuất hiện nhiều đến như thế. Nhưng lí do có thể thấy là sinh cảnh sống của nó phù hợp. Thường sẽ thấy rắn ở những nơi ẩm thấp vì là loại bò sát, cơ thể biến nhiệt. Thứ hai nữa là nơi nào có nhiều bụi cây, có giá thể để bám thì nó sẽ sinh sống ở đó. Thứ ba là nguồn thức ăn dồi dào. Nhưng cũng có thể, trước đây, do phong trào ăn bào thai của rắn lục, có thể người ta đã bắt răn lục về thành phố để bán nhưng chẳng may nó xổng ra và gặp sinh cảnh sống phù hợp thì sinh sôi nảy nở ", ông Quảng Trường cảnh báo.

Để phòng ngừa rắn lục đuôi đỏ, ông Nguyễn Quảng Trường cũng đưa ra lời khuyên, người dân nên dọn dẹp sạch sẽ, phát quang bụi rậm. Khi bị rắn cắn, người bị thương nên dùng garo vải không dùng garo cao su và đưa tới bệnh viện gần nhất. Loài rắn này cũng thường sống và tìm kiếm thức ăn vào ban đêm, nên người dân cần đóng cửa kín khi ngủ, không nên nằm ở nền đất ẩm; bên cạnh đó, cần chú ý đến khu vực bể nước, nơi ẩm ướt, gầm giường để tránh tạo môi trường sống cho loài động vật nguy hiểm này.