Về cây xanh, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, vườn hoa hiện có khoảng 100 cây thuộc 20 chủng loại khác nhau như sưa, vàng anh, bằng lăng, giáng hương, hoàng yến… Khi tiến hành cải tạo, quận sẽ tuân thủ nguyên tắc bảo vệ các cây có giá trị, cây lâu năm và cổ thụ, thay thế hoặc dịch chuyển những cây nhỏ, bị sâu bệnh.
Dự án sẽ dịch chuyển 25 cây trong đó có 16 cây được di chuyển trong khuôn viên vườn hoa và thay thế 9 cây sâu bệnh. Thêm vào đó, sẽ trồng bổ sung 30 cây mới phù hợp với khí hậu Hà Nội, nâng tổng số cây bóng mát trong vườn lên 114 cây tăng thêm 14 cây so với trước cải tạo.
Về hệ thống nhạc nước, quận Hoàn Kiếm cho biết khu vực phía sau tượng đài vua Lý Thái Tổ và nhà Bát giác sẽ có một hệ thống phun nước âm sàn nhỏ gọn, sử dụng cho các dịp lễ Tết.
Các vòi phun được đặt âm sàn, giúp bề mặt sân phẳng, không gây ảnh hưởng đến người dân và du khách khi tham quan. Điều này không chỉ giúp cải thiện cảnh quan mà còn góp phần cải tạo khí hậu khu vực.

Với hạng mục Km0, quận cho biết đây là một phần trong kế hoạch cải tạo được đặt tại trung tâm sân Khánh tiết, phía trước tượng đài vua Lý Thái Tổ. Km0 được thiết kế theo phương án được chọn từ cuộc thi tuyển năm 2020 và điều chỉnh phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật hiện tại.
Khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ rộng gần 11.500 m2 đã xuống cấp sau hơn 20 năm sử dụng. Cây xanh chưa phù hợp, đường dạo, thảm cỏ và thảm hoa đã hư hỏng làm giảm chất lượng không gian công cộng.
Dự án cải tạo nhằm nâng cấp cảnh quan và đảm bảo công năng sử dụng, đồng thời kết nối tốt hơn với khu vực Hồ Gươm, vườn hoa Diên Hồng và các công trình lân cận như Nhà khách Chính phủ, khách sạn Metropole.
Dự án hoàn tất việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư vào ngày 25/2 và dự kiến sẽ bắt đầu thi công vào tháng 4, hoàn thành vào tháng 10. Mặc dù vườn hoa Lý Thái Tổ không nằm trong khu vực bảo vệ di tích đền Ngọc Sơn hay Hồ Gươm nhưng nó có vai trò quan trọng trong việc kết nối các không gian công cộng xung quanh, đặc biệt là khu vực Hồ Gươm.