Cần bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa

VOH - Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua.

Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng.

Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương.

Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

chu-tich-quoc-hoi-170424
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp - Ảnh: VGP

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa… và cần nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tuy nhiên, đây là dự thảo luật rất quan trọng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều luật vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra lưu ý các nội dung về chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa; bổ sung một số chính sách đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, cải tạo nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa...

Vấn đề bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; bố cục dự thảo luật và tính thống nhất của các luật khác, trong đó lưu ý thống nhất với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 7 tới... – cũng cần được xem xét.

Bình luận