Cần bổ sung Luật Giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021

(VOH) - Sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các cơ quan theo phân công đã chủ động tổ chức nghiên cứu, có văn bản tham gia thẩm tra theo đúng quy định. Nhiều báo cáo tham gia thẩm tra có nội dung rõ ràng, đầy đủ, đánh giá nghiêm túc tình hình thực hiện Chương trình năm 2019 và các tháng đầu năm 2020, thể hiện rõ quan điểm về sự cần thiết, nội dung các chính sách được đề xuất và thời điểm trình đối với từng đề nghị xây dựng văn bản. Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn Kiên Giang trong quá trình xây dựng pháp luật vẫn còn 1 số tồn tại cần khắc phục: “Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra 1 số hạn chế, trong đó chủ yếu là do chủ quan. Đề nghị Quốc hội cần có giải pháp hữu hiệu hơn cho quá trình xây dựng pháp luật”.

Cần bổ sung Luật Giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp sáng 22-5-2020. Ảnh: QUOCHOI

Theo Chương trình đã được quyết định, tại kỳ họp thứ 9 lần này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và Nghị quyết về Chương trình năm 2021, đồng thời, cho ý kiến đối với 07 dự án luật khác. Tính đến hết tháng 4/2020, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tất cả 10 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Hà Nội cho rằng cần chấm dứt việc xin lùi thời gian trình các dự án Luật vì chưa chuẩn bị kịp: “Tình trạng xin dời thời gian và rút không trình dự án Luật. Câu chuyện này đã nói nhiều lần nhưng không khắc phục. Tôi nghĩ công việc này cũng như các dự án khác khi đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành”.

Việc điều chỉnh Chương trình năm 2020 không làm ảnh hưởng, thay đổi cơ bản Chương trình đã được Quốc hội quyết định. Đối với Chương trình năm 2021, do đặc thù là năm chuyển giao nhiệm kỳ, do đó hạn chế số lượng dự án đưa vào Chương trình, đồng thời bố trí hợp lý số lượng dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV để tập trung cho công tác tổng kết cuối nhiệm kỳ và bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước đầu nhiệm kỳ. Theo Đại biểu Nguyễn Văn Khánh, Đoàn Bình Định Luật Giao thông đường bộ là dự án Luật quan trọng nên cần bổ sung vào ngay kỳ họp đầu năm 2021 để Quốc hội cho ý kiến: “Đề nghị bổ sung Luật Giao thông đường bộ vào kỳ họp thứ 10. Cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến của nhiều nhóm đối tượng để hoàn thiện luật tốt hơn”.

Theo dự kiến tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV, để tập trung cho công tác nhân sự của bộ máy nhà nước, Chính phủ không trình các dự án luật để Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, theo quy định và thông lệ hoạt động, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho năm tiếp theo. Do đó, Quốc hội đề nghị cho bổ sung dự thảo Nghị quyết về Chương trình năm 2022 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV theo quy trình tại một kỳ họp.

Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bình luận