Chờ...

Cần cân nhắc khắc phục sự chồng chéo của luật

(VOH) - Sáng nay (21/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật cảnh vệ.

Với khoảng 30 ý kiến góp ý trong phiên thảo luận sáng nay, hầu hết các đại biểu đồng ý với việc cần thiết ban hành Luật Quy hoạch nhưng cho rằng dự luật còn nhiều hạn chế cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ.

Như tại Điều 6, dự luật quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm tầm nhìn 20 năm, với quy hoạch kết cấu hạ tầng tầm nhìn 30 năm đến 50 năm.

Có ý kiến cho rằng như vậy là chưa hợp lý, bởi đối với quy hoạch cấp quốc gia mà thời kỳ quy hoạch là 10 năm thì quá ngắn. Các nội dung về tư vấn lập quy hoạch, lấy ý kiến quy hoạch, thẩm quyền thẩm định quy hoạch… cũng được nhiều đại biểu đề cập đến.

Đại biểu Trần Văn Tiến – đoàn Vĩnh Phúc góp ý về hệ thống quy hoạch: “Điều 12. Khoản 2, cấp vùng có quy hoạch vùng, cần chỉ rõ ngay trong luật những vùng cần lập quy hoạch nhằm hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tại Khoản 3, cấp tỉnh có quy hoạch tỉnh nhưng cấp tỉnh gồm có tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong khi đó, quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương đang được thực hiện, đang được điều chỉnh bởi Luật quy hoạch đô thị. Như vậy, thành phố trực thuộc trung ương có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này không hay chịu sự điều chỉnh của cả hai luật? Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu”.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn – đoàn Hà Tĩnh trong phần phát biểu của mình cho rằng, vấn đề quy hoạch vùng quy định trong dự luật cần được hoàn thiện hơn và triển khai sớm để tránh những lãng phí vừa qua, nhất là trong giai đoạn đầu tư trung hạn này.

Theo đại biểu Sơn, về quy hoạch vùng, Hiến pháp năm 2013 đã có quy định rõ, hoàn thiện trong kinh tế thị trường và phát huy thế mạnh của từng vùng, thực hiện phân công, phân cấp, thẩm quyền trong quản lý nhà nước, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.

Do đó, ngay trong luật đã có quy định về quy hoạch vùng và sự gắn bó, liên kết, phối hợp rõ nét những đặc trưng của vùng. Trong quy hoạch phải rõ hơn cơ quan lập quy hoạch vùng này.

“Hiện nay, chúng ta có các ban chỉ đạo hoặc Bộ kế hoạch và Đầu tư hoặc bộ nào cũng phải rõ hơn để chịu trách nhiệm vì vùng không phải là đơn vị hành chính cho nên trách nhiệm này và sự phối hợp đồng bộ trách nhiệm của hai việc. Một là đơn vị chủ quản, hai là trách nhiệm của các địa phương trong tính đồng bộ trong quy hoạch vùng. Thực sự các địa phương đã có quy hoạch, làm thế nào để quy hoạch vùng tích hợp được và tránh lãng phí của các quy hoạch của địa phương trong tạo thế, lực của vùng?”

Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình các ý kiến góp ý đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành Luật quy hoạch: “Luật này ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng về quy hoạch gây thất thoát lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước, phân tán không hiệu quả dẫn đến tùy tiện, chia cắt, cát cứ và xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương. Để hướng tới tăng cường liên kết vùng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương và phát huy hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước”.

“Mặt khác, Luật quy hoạch sẽ trở thành nội dung cũng như một công cụ quan trọng để chúng ta thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong một khuôn khổ đồng bộ và thống nhất nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc sắp xếp, cơ cấu lại các nguồn lực của kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chiều nay, Quốc hội cũng thảo luận về dự Luật Cảnh vệ. Các ý kiến cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo Luật nhưng đề nghị rà soát, sắp xếp lại để bảo đảm hệ thống, tránh chồng chéo với các Luật hiện hành.

Góp ý cho điều 7, quy định “Chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ”, đại biểu Nguyễn Hồng Vân – đoàn Phú Yên nêu vấn đề: “Ở khoản 2 điều 7 tôi đề nghị bỏ cụm từ “nếu có thành tích xuất sắc thì được khen thưởng” vì nội dung này đã được quy định trong Luật thi đua khen thưởng. Ngoài ra, khoản 2 điều 7 về cơ bản, trùng với khoản 2 điều 33”.