Nhiều đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết ban hành một đạo luật chặt chẽ, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng dữ liệu cá nhân bị biến thành “hàng hóa ngầm”.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng cần quy định cụ thể hơn giữa dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu nhạy cảm. Theo ông, chỉ nên giao Chính phủ quy định danh mục dữ liệu nhạy cảm, còn danh mục dữ liệu cơ bản nên được xác định rõ trong luật để đảm bảo tính minh bạch, dễ áp dụng và hạn chế tùy tiện.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cảnh báo, việc cấm tuyệt đối mua bán dữ liệu cá nhân mà không có ngoại lệ hợp lý sẽ gây khó khăn cho các mô hình kinh doanh số hợp pháp. Bà dẫn chứng nhiều doanh nghiệp công nghệ, thương mại điện tử hiện vẫn dựa vào dữ liệu người dùng để cá nhân hóa dịch vụ, nếu không phân biệt rạch ròi sẽ gây hệ lụy lớn.

Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm rằng luật chỉ nên cấm hành vi mua bán dữ liệu cá nhân bất hợp pháp. Nếu người dùng chủ động chia sẻ dữ liệu không nhạy cảm, không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và được đồng ý rõ ràng thì nên cho phép, để không kìm hãm phát triển công nghệ.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định dữ liệu cá nhân là quyền con người, không thể được đối xử như hàng hóa thông thường. “Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền riêng tư – điều không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh,” ông nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xuất phát từ việc các đối tượng mua dữ liệu cá nhân trên “chợ đen”. Từ các thông tin này, chúng xây dựng kịch bản tiếp cận nạn nhân một cách chính xác, tinh vi. Tình trạng này xảy ra phổ biến trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, điện lực… khi dữ liệu bị rò rỉ ngay từ nhân viên nội bộ.
Trước thực tế đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định cấm cho thuê, mượn dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi trái pháp luật (Khoản 5 Điều 7), và nghiêm cấm sử dụng dữ liệu cá nhân của người khác hoặc cho người khác sử dụng vì mục đích phi pháp.
Việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, giúp người dân an tâm trong môi trường số, đồng thời bảo đảm phát triển kinh tế số trên nền tảng bảo vệ quyền con người. Nếu không có luật mạnh tay và chế tài nghiêm khắc, dữ liệu cá nhân sẽ tiếp tục bị thao túng, biến thành “mồi nhử” trong các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng.