Cần chính sách linh hoạt để thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp

(VOH) - Bảo hiểm nông nghiệp với những mặt lợi ích, giá trị mà loại hình dịch vụ này mang lại không còn quá mới mẻ đối với nông nghiệp Việt Nam.

Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp phát triển trong thực tiễn - một bài toán vẫn chưa tìm ra lời giải nhiều năm trở lại đây. VOH có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Võ Thị Kim Sa – Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II, đồng Giám đốc của Dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam:

* VOH: Thưa Tiến sĩ Võ Thị Kim Sa, bà nhận định như thế nào về lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

TS Võ Thị Kim Sa: Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam chúng ta quan tâm đến bảo hiểm nông nghiệp lâu rồi, chứ không phải mới đây. Thế nhưng mà ở Việt Nam thì hết sức khó khăn. Nghị định, khuôn khổ pháp lý thì có, nhu cầu thì có nhưng mà hầu như không thể đi vào thực tế. Nó đến từ hai khía cạnh. Khía cạnh quản lý Nhà nước mình cần xem lại khuôn khổ pháp lý cũng như những chính sách hỗ trợ. Đồng thời mình cũng giúp cho hợp tác xã và người nông dân nâng cao nhận thực về tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp.

 chính sách, bảo hiểm nông nghiệp

Cây hồ tiêu ở Bình Phước không ít lần lâm cảnh "được mùa mất giá". Ảnh minh họa: PN

* VOH: Vậy đâu là trở ngại để người sản xuất có thể tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp? 

TS Võ Thị Kim Sa: Cái thứ nhất là nhận thức của người dân. Hiện nay có những thiên tai dịch bệnh xảy ra thì Nhà nước thường có những chương trình hỗ trợ như hỗ trợ cây giống để khôi phục sản xuất. Thì bà con cứ nghĩ hễ mình rủi ro thì Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ. Phần đó gọi là hỗ trợ chứ không phải đền bù.

Và khó khăn lớn nhất của mình là quy mô sản xuất của nông dân mình rất là nhỏ, manh mún, phân tán ra cho nên thí dụ một công ty bảo hiểm muốn bảo hiểm 3 sào thanh long, thì người ta cần chi phí để đi đánh giá mức độ rủi ro như thế nào. Và mỗi người nông dân thì sản xuất theo quy trình khác nhau nên nếu đặt mình là công ty bảo hiểm thì mình cũng lo lắm. Không biết là người nông dân mua bảo hiểm xong thì quy trình sản xuất ra làm sao, ai sẽ giám sát quy trình sản xuất đó, có điều gì bảo đảm rằng họ sẽ chăm chỉ cần cù và hết tâm chăm sóc hay sẽ có tâm lý ỷ lại. Tất cả những vấn đề đó chính là những cản trở.

* VOH: Theo bà thì cần có giải pháp gì để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của nông nghiệp Việt Nam nhằm phát triển được dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp hiệu quả hơn?

TS Võ Thị Kim Sa:  Ở bên Canada thì một người nông dân mua bảo hiểm một lần 200 con bò nên chi phí đánh giá rủi ro sẽ giảm đi tại vì có một hợp đồng lớn. Còn mình thì muốn có 200 con bò thì có tới khoảng 100 nông dân, tức là 100 hợp đồng thì chi phí sẽ rất là cao. Cho nên chúng tôi trăn trở, suy nghĩ rằng gói bảo hiểm tập thể sẽ phù hợp hơn.

100 nông dân liên kết lại với nhau thành một hợp tác xã có tư cách pháp nhân. Lúc đó hợp tác xã sẽ đứng ra để mua gói bảo hiểm tập thể cho tất cả các thành viên của mình. Hợp tác xã sẽ xây dựng quy trình sản xuất thí dụ như chăn nuôi bò như thế nào, có hệ thống giảm sát nội bộ thì lúc đó chi phí bảo hiểm sẽ rẻ hơn và dễ đi vào thực tế hơn. Từng người nông dân khó lắm, mình nhỏ mà!

* VOH: Có một thực tế là tâm lý không ít người nông dân Việt Nam xem chi phí bảo hiểm như một khoản đầu tư không cần thiết. Làm sao để gỡ bỏ được tâm lý này?

TS Võ Thị Kim Sa: Vì từ ý nghĩ từ hồi xưa đến giờ là mua bảo hiểm là khoản chi phí mất rồi. Cho nên cái thứ nhất là để tập chuyện đó thì Nhà nước có thể hỗ trợ một phần phí mua bảo hiểm. Cái thứ hai, cái này quan trọng hơn rất là nhiều, hỗ trợ cho họ quy trình sản xuất cho nó tốt để tạo sự tin cậy cho công ty bảo hiểm. Chứ nếu như người nông dân mình chỉ mua phí bảo hiểm mà không chỉ họ cách thực hành sản xuất cho tốt, không biết sử dụng những thiết bị mới, công nghệ mới để nâng cao năng suất thì công ty bảo hiểm sẽ đánh mức phí rất là cao thì người nông dân không thể mua được. Cho nên là giúp cái này không chỉ giúp cho nông dân mà còn tạo ra niềm tin cho công ty bảo hiểm.

* VOH: Từ giải pháp bà vừa nêu ra thì chúng ta phải hành động như thế nào để có thêm nhiều người sản xuất, hộ nông dân, hợp tác xã biết đến và “làm quen” các chính sách từ bảo hiểm nông nghiệp?

TS Võ Thị Kim Sa:  Vai trò của các bạn đó! Truyền thông để cho bà con hiểu. Những hội thảo chia sẻ theo kiểu như nông dân nói với nông dân để cho mọi người hiểu hơn. Đôi khi những nhà cán bộ quản lý nhà nước nói hoặc là những nhà khoa học nói bằng những ngôn ngữ khác thì người nông khó thấu hiểu hơn. Cho nên là chúng tôi đang cố gắng làm thế nào để có những kênh truyền thông phù hợp nhất với người nông dân.

Ở Việt Nam chúng ta có chính sách hỗ trợ cho phí bảo hiểm nông nghiệp nhưng chỉ dành cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Bạn hình dung xem một người có 3 sào đất thì không thuộc hộ nghèo rồi. Vậy thì chính sách sẽ không đi tới đây mà chỉ tới hộ nghèo. Mà hộ nghèo thì hầu như năng lực sản xuất của họ hầu như rất thấp và họ cũng không quan tâm nhiều tới chuyện bảo hiểm. Nên tôi nghĩ rằng khuôn khổ chính sách có lẽ nên mở rộng đối tượng ra để cho người dân quen. Có thể ban đầu mình hỗ trợ 50%, hay 70% rồi sau đó mức hỗ trợ giảm dần để người dân quen rồi, thấy được lợi ích của bảo hiểm và lúc đó mới tự mình sẵn sàng chi trả toàn bộ chi phí bảo hiểm đó.

Các địa phương khác cần học tập kinh nghiệm từ Hà Tĩnh: Đó là nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh về tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

 

Thuế thu nhập cá nhân phải sát với thực tế!: Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho thuế thu nhập cá nhân để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.