Thuế thu nhập cá nhân phải sát với thực tế!

(VOH) - Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho thuế thu nhập cá nhân để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Theo mức đề xuất của Bộ Tài chính, từ năm 2020, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương dự kiến tăng lên mức 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thay cho mức 9 triệu và 3,6 triệu hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức đề xuất này còn khá thấp và chưa hợp lý so với điều kiện sống hiện nay của người dân.

Theo các ý kiến ghi nhận được đều cho rằng, hiện nay giá cả các mặt hàng thiết yếu cho đến các dịch vụ giáo dục, y tế đều tăng cao. Chỉ riêng tiền học phí ở Đại học so với 10 năm trước đã tăng lên gấp nhiều lần. Trong khi đó, đồng lương chỉ xê dịch đôi chút. Hiện thu nhập mười mấy triệu đồng một người cũng chỉ vừa đủ sống, nếu lo cho gia đình và nuôi con thì có khi thiếu trước hụt sau. Vì vậy, mức thuế cũng cần điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của người dân. 

Thuế thu nhập cá nhân phải sát với thực tế! 1

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập người lao động. Ảnh minh họa: PN

Đề cập đến mức thuế thu nhập cá nhân 11 triệu đồng mà Bộ Tài chính đề xuất, anh Nguyễn Văn Tình – Phó Trưởng phòng kỹ thuật công nghệ công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng để tính một mức thuế thu nhập cá nhân cho người lao động phải tính theo mặt bằng chung thu nhập của toàn dân, thực tế còn phụ thuộc vào vùng miền, chi phí vùng miền ở khu vực thành thị và nông thôn, chi phí có sự chênh lệch với nhau, tiền lương bình quân vùng miền. "Mức bình quân đánh thuế theo tôi ở mức 14 hay 15 triệu hợp lý hơn. Bởi vì còn khá nhiều khoản chi tiêu trong gia đình, mà mức chi tiêu đã khác xưa, không chỉ ăn no mà còn mặc đẹp, vui chơi giải trí”, anh Tình nói.

Chị Vũ Hồng Mai Uyên – nhân viên công ty nghiên cứu thị trường TiTa cũng nêu ý kiến: “Mức thuế thu nhập cá nhân nâng lên 11 triệu đồng, tôi thấy vẫn còn thấp. Theo tôi mức này cần điều chỉnh lên 14 - 15 triệu đồng thì mới phù hợp với mức sống bây giờ. Bời vì khi đi công tác ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Lạt, Đà Nẵng… mức sống đã nâng lên rất nhiều mà nếu bây giờ chỉ thêm 2 triệu thì vẫn còn thấp. Riêng mức cho người phụ thuộc tôi đề xuất 6 triệu đồng”.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói rằng, theo giải thích của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh là dựa trên quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, trong đó quy định trường hợp CPI biến động hơn 20% kể từ khi luật có hiệu lực hoặc kể từ lần điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Do vậy, theo ông, “có hai câu chuyện, một là Luật đúng thì phải “thượng tôn pháp luật”, thứ hai nếu Luật chưa chuẩn thì qua nhiều thời điểm, nhiều góc nhìn thì đề nghị Quốc Hội sửa. Bây giờ với nhiều ý kiến, nào là tính theo CPI chưa chuẩn, đời sống tăng cao, hoặc CPI chưa phản ánh rõ tiêu dùng, vấn đề nuôi con…”.

Ở góc độ cá nhân, Tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ ông rất đồng tình đóng thuế thu nhập cá nhân, kể cả mức thấp. Ông nói vui là 1 tháng đóng 1 ngàn đồng cũng đóng, bởi theo ông, việc làm này để xây dựng một xã hội văn minh. Hãy nhìn thuế thu nhập cá nhân như một cách ứng xử văn minh cả phía nhà nước và người dân. Nhà nước có thêm nguồn thu và người dân có nghĩa vụ, trách nhiệm phải đóng thuế. Tuy nhiên, mức thuế như thế nào thì Nhà nước cần có sự điều chỉnh phù hợp để nhận được sự đồng thuận cao. Đó là điều chúng ta hướng đến.

Thị trường chứng khoán 4/3/2020: Đồng loạt giảm điểm: Phiên giao dịch chiều 4/3, lực mua gia tăng dần trong phiên giúp các chỉ số thu hẹp đáng kể đà giảm.

 

Giá vàng trong nước vượt 47 triệu đồng, tăng xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng: Mở cửa phiên sáng nay 4/3, giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh theo đà tăng của giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước tăng từ 700.000 – 1.000.000 đồng/lượng.