Phiên thảo luận tại Tổ 2 do Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết điều hành nội dung thảo luận, đa số các ý kiến đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu và đề nghị cần có một chương riêng đấu thấu vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế.
Về hình thức mua sắm trực tiếp, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị giữ nguyên như quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 để tạo sự chủ động, kịp thời trong việc mua sắm, bổ sung hàng hóa, đặc biệt là mua thuốc, vật tư y tế. Đồng thời tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp cố tình áp đơn giá cao hơn trong mua sắm trực tiếp.
Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị Ban soạn thảo có một chương riêng về đấu thầu y tế trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này. Dự thảo Luật lần này chỉ quy định đấu thầu về thuốc rõ ràng, còn 2 vấn đề lớn của ngành y là vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế thì dự thảo chưa quy định rõ nội dung này.
Vật tư y tế tiêu hao gồm các thiết bị sử dụng kèm theo các máy móc như máy siêu âm, máy thở, máy CT…; và vật tư y tế tiêu hao sử dụng cho người bệnh như kim tiêm, găng tay, máy tạo nhiệt, sten… Đại biểu Nguyễn Trí Thức nêu rõ, ngân sách tài chính chi trả cho vật tư y tế tiêu hao rất lớn, gồm nhiều vât tư hiện đại. Vật tư y tế tiêu hao mang tính chất độc quyền cao, do đó đề nghị cần có quy định rõ về đấu thầu trong mua sắm vật tư y tế tiêu hao.
Liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế như mua sắm các máy móc lớn như máy CT, máy MRI, máy xạ trị, máy siêu âm hoặc máy thở … Đại biểu Nguyễn Trí Thức cho rằng cần đưa ra một chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế gồm vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế để kịp thời giải quyết các tình huống khó khăn trong ngành y tế thời gian qua.
Dự thảo Điều 4 khoản 26 đjnh nghĩa về hàng hóa, đại biểu Nguyễn Trí Thức đề nghị tách đinh nghĩa về “hàng hóa y tế” riêng vì đây là là hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của người bệnh.
Đại biểu cũng cho rằng hình thức dễ sinh ra tiêu cực nhất là hình thức chỉ định thầu, do đó cần quy định việc chỉ định thầu càng chi tiết càng tốt. Ví dụ Điều 19 khoản b, đề nghị Ban soạn thảo thêm “tình huống cấp bách”, giải thích như thế nào là “sự cố bất khả kháng”, như thế nào là “cấp cứu”, và quy định tổ chức nào được xác định gói thầu chỉ định này là cấp cứu phải mua ngay để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.
Đồng tình với kiến nghị của đại biểu Nguyễn Trí Thức cần một chương riêng về đấu thầu trong mua sắm vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, do đó cần có chương riêng trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng đơn giản hơn, nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng để đánh giá. Đồng thời đề nghị cần tôn trọng kết quả đấu thầu, trong dự thảo Luật phải quy định rõ ràng.
Liên quan đến quy định đấu thầu thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quy định đấu thầu thuốc phải xây dựng giá kế hoạch, không được lấy giá trúng thầu năm nay làm giá kế hoạch năm sau, phải có căn cứ nghiên cứu dựa trên giá thị trường như thế nào, chỉ số trượt giá cũng như các yếu tố tác động để tránh tình trạng chỉ có thuốc rất rẻ mới tham gia đấu thầu được.
Đối với vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế, đại biểu nhấn mạnh, đây là những thứ không thể thiếu của bệnh viện và liên quan đến sinh mạng của người dân nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất, và đấu thầu không thể tránh được tiêu cực nên cần cân nhắc yếu tố lợi - hại như thế nào và cần những cơ chế ràng buộc trong việc tự chủ bệnh viện.