Cần “chuyển động thực sự” trong chống ngập

(VOH) - “Công tác chống ngập được đầu tư nhiều nhưng vẫn diễn ra tình trạng ngập nước. Vậy mọi nỗ lực của chúng ta đem lại kết quả gì?". Đây là câu hỏi mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 8 diễn ra sáng 29/8.

Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp kinh tế xã hội ngày 29/8. Ảnh: TTO

Cụ thể, trong ngày 26/8 lượng mưa không quá lớn, đặc biệt là triều cường cũng không cao, nhưng lại xảy ra tình trạng ngập trên nhiều khu vực. Đây là một điều bất thường. Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, trận mưa ngày 26/8 gây ngập nặng là do các tuyến cống thoát nước bị bít bởi rác, kênh rạch bị lấn chiếm chưa giải toả.

Ông Công thông tin thêm: ”Hiện nay Trung tâm chống ngập đã thống kê tất cả có 250 trường hợp lấn chiếm các loại, từ hầm ga, xây nhà đè lên cống, thậm chí là lấn chiếm kênh rạch. Trung tâm chống ngập đã báo cáo Thường trực Ủy ban, đồng chí Phó chủ tịch Lê Văn Khoa cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương có vị trí lấn chiếm phải tổng hợp báo cáo cho Ủy Ban.

Ngày 15/9, Sở Giao thông sẽ có văn bản tổng hợp toàn bộ, tham mưu báo cáo cho Ủy ban Nhân dân thành phố xử lý dứt điểm vấn đề này”.

Trong tháng 8, thành phố đã triển khai duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập. Cụ thể, nạo vét hơn 4 km cống các loại, 309 hầm ga. Tuy nhiên, tình hình tiến độ khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công dự án và xử lý các điểm lấn chiếm kênh rạch, cửa xả còn rất chậm.

Đến sáng 28/7, nhiều nơi tại quận Bình Thạnh còn ngập ngụa nước

Về lĩnh vực kinh tế, trong 8 tháng qua, việc huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế có những chuyển biến tích cực, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,6%, doanh nghiệp được thành lập và đăng ký vốn tăng 49,1% so với cùng kỳ. Nguồn vốn huy động thông qua định chế tài chính, ngân hàng tăng 16,33% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cần được các đơn vị chủ động thực hiện hiệu quả hơn. Theo đánh giá, sự chuyển bộ của các Sở ngành sau khi có Nghị quyết 35 của Chính phủ vẫn chậm.

Cụ thể, ngày 1/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định 3907 về việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, đến nay mới chỉ có 21/63 đơn vị báo cáo và có kế hoạch cụ thể để triển khai kế hoạch này.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh: ”Chúng ta nói rất nhiều về chuyện này, nói về chương trình kia nhưng cuối cùng khi mưa xuống thì nhà dân bị ngập. Cho nên, tôi đề nghị Thường trực Ủy ban chia sẻ việc này cùng các ngành liên quan, cùng với địa phương để giải quyết. Tôi muốn có chuyển động thật sự trong chống ngập. Cái này chúng ta hoàn toàn có thể làm được”.

Ngoài ra, các Sở ngành cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Quyết định số 3907. Trong đó, tập trung giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên, trí thức.