Cần có ngân sách cho xây dựng thương hiệu chăn nuôi

(VOH) - Đó là một trong các ý kiến tại buổi thảo luận Dự án Luật chăn nuôi diễn ra chiều nay.

Chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); nghe báo cáo thẩm tra dự án luật này. Nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. 

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật lần này đã tiếp thu, chỉnh lý tương đối tốt so với các lần trước; nhiều khái niệm được giải thích cụ thể hơn; bố cục các chương, điều hợp lý hơn; những nội dung cụ thể của Dự luật đước thiết kế sâu sắc hơn.

Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa lại quy định chính sách của Nhà nước về chăn nuôi tại Điều 4 theo hướng phân định các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với yêu cầu phát triển chăn nuôi của từng thời kỳ và cụ thể hóa trong các điều, khoản của Dự thảo Luật.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng vẫn còn một vài thiếu sót bao quát hoạt động trong chăn nuôi và thiếu nhóm chính sách phát triển hộ nông dân nhỏ lẻ và nhóm nông dân khởi nghiệp. "Nên có bảo đảm ngân sách cho công tác quy hoạch và xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi của vùng và của tỉnh. Trên cơ sở đó định hướng và quản lý chặt chẽ các cơ quan chức năng cho người dân chăn nuôi, giảm tình trạng tự phát trong chăn nuôi. Có sự cơ cấu và phân bổ nguồn lực ngân sách hợp lý, quan tâm chính sách đầu tư của NN cho các cơ sở thí nghiệm, thực nghiệm giống vật nuôi phù hợp với từng vùng miền" - đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu.

Quan tâm đến nội dung nuôi chim yến trong luật chăn nuôi, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đoàn Kiên Giang đánh giá còn nhiều điều chưa hợp lý tại điểm d điều 64 của dự án luật này như việc nuôi chim yến là việc nuôi chim trời, cơ sở kiểm đếm ước tính là khó khăn, ý nghĩa việc cung cấp thông tin này cho UBND huyện không rõ ràng.

Cũng trong phiên làm việc chiều này, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, dự án luật rất quan trọng, nhằm đảm bảo thực thi hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các đạo luật khác về tư pháp; bảo đảm thực thi các phán quyết của tòa trên thực tế. Đây cũng là dự án có tính chất rất phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ phải đáp ứng yêu cầu quyền, nghĩa cụ của các chủ thể mà còn phải quy định chi tiết, trình tự cụ thể, thủ tục thi hành từng loại hình phạt đối với cá nhân và pháp nhân thương mại. Do đó bên cạnh yêu cầu khẩn trương, thì việc ban hành luật rất cần việc bảo đảm chất lượng và tính khả thi. "Dự án luật này cần được hoàn thiện thêm để bảo đảm chất lượng, tính khả thi và các điều kiện khác theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời đối với một số dự án luật sửa đổi toàn diện và có tính chất phức tạp như đã nêu cần có thời gian tương xứng cho việc nghiên cứu thẩm tra, tiếp thu, chỉnh ký và đủ thời gian để ĐBQH thảo luận nghiên cứu. UBTP thấy rằng nếu tiến hành theo quy trình tại 2 kỳ họp trong khi dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chưa đảm bảo tính khả thi các ĐBQH và cơ quan giúp việc UBTVQH cũng không có đủ thời gian cần thiết để thảo luận, hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, nhất là vấn đề mới, chưa có thực tiễn ở Việt Nam" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu tập trung làm rõ về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) như: thời điểm đặc xá; các trường hợp không được đề nghị đặc xá; Thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài... Về thời điểm đặc xá, các ý kiến phát biểu bày tỏ nhất trí cao với dự thảo luật quy định 3 thời điểm đặc xá. Đó là: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, một số đại biểu góp ý: hiện nay trong 3 thời điểm đặc xá, riêng ngày lễ lớn đã có quy định tại nghị định 145 của Chính phủ, tuy nhiên hai thời điểm còn lại là ”sự kiện trọng đại của đất nước” và ”trường hợp đặc biệt vì lý do đối ngoại” hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định và trong dự thảo luật cũng chưa có giải thích. Do đó các địa biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc: nếu giữ nguyên 3 thời điểm này cần đưa thêm vào phần giải thích từ ngữ để tránh hiểu mơ hồ, gây khó khăn trong thực thi. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn Hải Dương cho rằng nên chọn vào 3 thời điểm xét đặc xá là ngày Quốc khánh, Tết Nguyên đán và 30/4; Khi tiến hành đặc xá có sự tham mưu của tổ thẩm vấn có tính chất liên ngành và có đề nghị của Chính phủ. Như vậy, tránh được những việc làm quá gấp gáp khiến dễ sinh ra khuyết điểm.

Theo chương trình, dự án Luật Đặc xá và Luật Chăn nuôi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Cho ý kiến về vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, một số đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi bao gồm rất nhiều nội dung như xử lý chất thải ở cơ sở chăn nuôi trang trại; xử lý tiếng ồn từ chăn nuôi; xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ; nguyên tắc quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi… Tuy nhiên, dự thảo luật thiếu các quy định chế tài, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý tại địa phương; chưa đi sâu, cụ thể về nội dung của các quy định này,

Liên quan đến nội dung “đối xử nhân đạo với vật nuôi”, một số đại biểu đề nghị nên sửa thành  “đối xử ko tàn bạo với vật nuôi”, “điều kiện đối xử đối với vật nuôi” cho hợp lý.

Bình luận