Chờ...

"Cần cụ thể kinh tế thị trường hiện đại"

(VOH) - Sáng nay 23/10, trong phiên làm việc tại tổ, các ĐBQH đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Hầu hết ý kiến của các ĐBQH đều thống nhất cho rằng, dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có nhiều đổi mới, có chất lượng, bố cục chặt chẽ, đi thẳng vào vấn đề; nội dung đầy đủ, sát tình hình thực tế, có tính tổng kết, khái quát cao. Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu ra có cơ sở khoa học và thực tiễn, có tính khả thi...

Cụ thể, đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; nguyên nhân và kinh nghiệm, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung chính sách thu hút người tài chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy hết tiềm năng con người.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một số ý kiến đề nghị cần huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đại biểu Trần Du Lịch góp ý kiến. Ảnh: Quốc Dũng

Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một số ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước cần có biện pháp mạnh để nhanh chóng hoàn thành việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; phân định rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt trong quyền tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân; thể chế hoá chức năng chủ sở hữu tài sản và chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị của doanh nghiệp Nhà nước.

Góp ý thêm về nội dung này, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, đề nghị nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; từng bước thực hiện phân luồng giáo dục cho học sinh theo kinh nghiệm của các nước phát triển; đào tạo gắn với nhu cầu giải quyết việc làm, tránh tình trạng đào tạo tràn lan “thừa thầy thiếu thợ”; ban hành các chính sách đổi mới về giáo dục, đào tạo phải phù hợp với thực tế của Việt Nam, tránh rập khuôn máy móc theo mô hình giáo dục của nước ngoài.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Về phương hướng, nhiệm vụ, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm từ “phòng ngừa” trước từ “đấu tranh”, viết lại là “chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”,…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, có ý kiến đề nghị cụ thể hơn giải pháp nâng cao vai trò, khắc phục hạn chế trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; thêm giải pháp nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, có đại biểu đề nghị bổ sung: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên bước đầu đã được ngăn chặn nhưng chưa có giải pháp đủ mạnh để khắc phục một cách hiệu quả.