Chờ...

Cần khơi thông ách tắc, tồn đọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng

VOH - Đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ một số băn khoăn, trăn trở về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh như thuế VAT mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; chi phí cho thu, chi phí cho hoàn và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu...

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần xem xét giải quyết căn cơ vấn đề này vì quá trình đó có thể tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Văn Lâm về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đại biểu Hà cho biết, thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã được giao thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này.

Cần khơi thông ách tắc, tồn đọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng 1
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Theo đại biểu, báo cáo giám sát nêu rõ, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.

Đại biểu lấy ví dụ, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát xác minh qua các khâu mua hàng đến khâu thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng chỉ phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn giá trị gia tăng. Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính.

Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc sản phẩm hay không, hồ sơ thủ tục hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Cần khơi thông ách tắc, tồn đọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng 2
Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Cần các giải pháp nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhất trí với các giải pháp mà Chính phủ đề ra, đại biểu Khương Thị Mai nhấn mạnh cơ cấu lại nền kinh tế , chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Khương Thị Mai cho biết, 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ thì năng lực công nghệ hạn chế, dù tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tạo ra giá trị thấp. Doanh nghiệp hiện cũng gặp một số khó khăn.

Để đạt mục tiêu đến 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp trong đó có 60-70% doanh nghiệp lớn và vừa, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu Khương Thị Mai đề nghị cần nghiên cứu ban hành chính sách thuế, thực hiện hiệu quả các giải pháp chống thất thu, gian lận thương mại. Có chính sách thúc đẩy cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp.

Đại biểu Khương Thị Mai đề nghị Chính phủ có chính sách tổng thể nâng cao năng suất lao động quốc gia gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng các ngành có giá trị cao, sử dụng cộng nghệ cao; có chính sách để doanh nghiệp tham gia trong quá trình đào tạo.