Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, chiều 25/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết qua rà soát sơ bộ có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ và các bộ ngành quy định chi tiết.
Đây là thách thức lớn trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối tháng 2/2025, cùng với đó triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý về việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng và 3.642 văn bản cấp bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan đề nghị khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể. Có thể thực hiện theo các hình thức một luật sửa nhiều luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các nội dung cần xử lý.
Nội dung này cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay sau Hội nghị Trung ương kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.
Ngoài ra, đối với tổ chức, hoạt động của một số Bộ, cơ quan, không tránh khỏi sự xáo trộn nhất định khi đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản.
Sau sắp xếp, cơ quan mới tiếp nhận nhiệm vụ cần kế thừa kết quả, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đúng thời hạn.