Các ý kiến nhất trí với tờ trình của Chính phủ, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 dự án luật này. Trong đó, tập trung vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.
ĐBQH Nguyễn Đức Sáu. Ảnh: SGGP
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Đức Sáu - đoàn TPHCM, cho rằng cần nghiên cứu giao chỉ tiêu biên chế phù hợp quy mô dân số, diện tích tự nhiên (loại đơn vị hành chính) cho từng địa phương.
"Nghị quyết 54 của Quốc hội cho TPHCM thí điểm cơ chế đặc thù nhưng chỉ với lực lượng như thế mà không được giao thêm lực lượng thì rất khó khăn. Hiện nay, chúng tôi thấy rằng lực lượng trong các cơ quan hành chính của thành phố còn rất thiếu, cần được bổ sung thêm", đại biểu Nguyễn Đức Sáu ý kiến.
Cho ý kiến vào dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các đại biểu nhất trí với tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật như đề xuất của Chính phủ. Các đại biểu cũng đề nghị để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở cho việc bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, loại bỏ những người không đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm, đề nghị nội dung đánh giá cần mang tính định lượng với các tiêu chí rõ ràng hơn.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Thị Bình Thuận - đoàn TPHCM, đã trao đổi với phóng viên về một số nội dung dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức trình Quốc hội như sau:
*PV: Thưa bà, dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa điều 25 của luật này theo hướng đề nghị bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn của viên chức để khắc phục tình trạng tâm lý viên chức suốt đời. Quan điểm của bà về vấn đề này?
- Bà Phan Thị Bình Thuận: Hiện nay, Chính phủ trình Quốc hội sửa điều 25, có 2 phương án. Phương án thứ nhất là tất cả viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức có hiệu lực thi hành, thì ký hợp đồng có thời hạn. Phương án hai là giữ nguyên như hiện nay. Theo quan điểm của tôi là tôi ủng hộ phương án 1. Việc ký hợp đồng xác định thời hạn làm việc sẽ là động lực cho người viên chức nỗ lực trong việc thực hiện công việc của mình để đạt hiệu quả hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình tốt nhất. Từ đó, họ sẽ được ký hợp đồng làm việc tiếp theo và cũng xóa bỏ tâm lý về sức ì, tâm lý viên chức suốt đời, có vào không có ra. Thứ hai cơ quan đơn vị sử dụng người lao động được ký hợp đồng có thời hạn thì sẽ có sự linh hoạt và thuận lợi hơn trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí làm việc, nhu cầu công việc. Và cũng sẽ làm cho bộ máy chuyển biến mạnh hơn về hiệu quả công việc.
*PV: Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến lo ngại khi sửa điều luật này sẽ không thống nhất với Bộ Luật lao động và ảnh hưởng tới tâm tư của viên chức. Xin bà cho biết ý kiến về nội dung này?
- Bà Phan Thị Bình Thuận: Hiện nay Bộ luật Lao động cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi bổ sung trong kỳ họp lần này. Tôi nghĩ rằng sắp tới cũng sửa luật lao động để tương thích với luật viên chức. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng nếu mình ký hợp đồng xác định thời hạn làm việc sẽ tạo tâm lý bất an, không ổn định cho viên chức. Tuy nhiên tôi nghĩ vấn đề này có thể giải quyết được. Tại vì viên chức đã ký hợp đồng, cố gắng làm việc thì sẽ được ký các hợp đồng tiếp theo. Tuy nhiên phải làm sao có một tiêu chí đánh giá cũng như thực hiện đánh giá đối với viên chức công khai, minh bạch, rõ ràng và công bằng. Tránh tình trạng nể nang, bỏ qua cho nhau dẫn đến việc đánh giá không sát với thực tế việc thực hiện nội dung này không hiệu quả.
*PV: Theo Luật Viên chức, người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động phải thoả điều kiện viên chức đó 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Trong thực tế rất khó thực hiện. Bà nghĩ sao về điều kiện này?
- Bà Phan Thị Bình Thuận: Tôi nhận thấy là chỉ nên 1 năm bởi đã qua 12 tháng đã đủ cơ sở để đánh giá một người viên chức đó hoạt động làm việc có tốt hay không, hiệu quả hay không. Để từ đó có thể quyết định có nên ký tiếp hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng.
*PV: Cảm ơn đại biểu!