Cân nhắc quy định hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng

VOH - Về quy định thông tin và quảng cáo thuốc, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính, đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này.

Chiều 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng.

Trên thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Nhiều quảng cáo phóng đại gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, đã gây bức xúc trong cử tri và Nhân dân.

dai-bieu-quoc-hoi-260624
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nga đặt câu hỏi: “Thực hiện chế độ tiền kiểm mà chúng ta vẫn đang còn vướng khó quản lý như vậy liệu khi chuyển sang chế độ hậu kiểm, chúng ta có thể thực hiện quản lý tốt được hay không?”.

Đại biểu nêu thực tế, có bao nhiêu người trong số những người xem quảng cáo có đủ trình độ chuyên môn để đánh giá xem một sản phẩm thuốc hình thành từ các thành phần khác nhau có công dụng như thế nào, có tác dụng đến đâu để đánh giá được quảng cáo đó có vi phạm, có phóng đại, có gây nhầm lẫn cho người sử dụng hay không?

Đại biểu Nga cho rằng, dù quảng cáo thuốc có vi phạm, người tiếp cận quảng cáo cũng khó có thể phát hiện ra để phản hồi đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, nên việc thực hiện chế độ hậu kiểm sẽ rất khó khăn.

Do đó, đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục duy trì chế độ tiền kiểm như hiện nay, đồng thời cũng cần tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng trong thời gian tới.

Bình luận