Cần nhìn nhận thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định phù hợp

HÀ NỘI - Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, điều này nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Góp ý về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa bao hàm hết các hoạt động của nhà giáo. Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cần xem xét trên tổng thể quá trình hoạt động của một nhà giáo bao gồm quá trình giảng dạy, hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng và giá trị đạo đức cho người học.

Ngoài ra còn bao hàm cả quá trình công tác với đồng nghiệp, tham gia các hoạt động quản lý của một nhà giáo…Đề nghị Ban soạn thảo đề nghị xem xét, điều chỉnh lại nội dung tại khoản 1 Điều 7.

Về những việc mà nhà giáo không được làm, có quy định về việc không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.

Picture1
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Theo đại biểu, quy định này là cần thiết, tuy nhiên, nội dung này cũng đã được quy định tại Luật Giáo dục, đó là ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chúng ở lớp học.

Và nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật. Đại biểu nhận thấy, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống.

Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng.

Đồng thời chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

201120240856-z6050191917651_54afc93d2d27d5b29feb83d0d07dfbe7
Đại biểu Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Về việc học thêm-dạy thêm, đại biểu Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này...

Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý. Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về. Trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm-học thêm.

Bình luận