Cần phát triển các mô hình hỗ trợ lao động di cư

(VOH) - Sáng 17/12, Trung tâm Nghiên cứu – Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình hỗ trợ người lao động di cư”.

Bà Hoàng Ngọc Huệ - Giới thiệu Mô hình CLB phụ nữ giúp việc gia đình.

Theo thống kê gần đây, Việt Nam có hơn 6,6 triệu người di cư nội địa. Những đối tượng này thường gặp nhiều rủi ro. 

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động di cư cao gấp 5 lần người lao động cư trú tại địa phương. Có khoảng 85% người lao động di cư phải ở nhà trọ, ở nhờ nhà người quen trong khi đó, lương cơ bản chưa đáp ứng đủ cuộc sống tối thiểu.

Họ cũng chưa có điều kiện tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở xã hội, nước sạch, điện, giáo dục, y tế và việc tiếp cận các thông tin pháp luật còn nhiều khó khăn,...

Ông Vũ Ngọc Hà - Phụ trách Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đang giới thiệu mô hình tư vấn pháp luật và xây dựng nhóm công nhân nòng cốt.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tổ chức một số mô hình phát huy hiệu quả như: mô hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em gia đình người di cư; mô hình hỗ trợ pháp lý; mô hình Câu lạc bộ phụ nữ giúp việc gia đình; mô hình tư vấn pháp luật và xây dựng nhóm công nhân nòng cốt,... 

Các hoạt động hỗ trợ lao động di cư tiếp cận thông tin thông qua các kênh truyền thông, giải đáp kịp thời những vướng mắc của lao động di cư về Pháp luật Lao động, Bảo hiểm Xã hội, Hôn nhân và Gia đình,...

"Số lượng người nhập cư rất đông, trong khi đó số lượng cán bộ của Trung tâm tư vấn pháp luật thì hạn chế. Chính vì vậy, chúng tôi phải xây dựng ý tưởng lấy công nhân để hỗ trợ công nhân. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đào tạo về kỹ năng nói trước nhiều người, kiến thức pháp luật, các kỹ năng tổ chức tốt cuộc sống để tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người lao động", ông Vũ Ngọc Hà -  Phụ trách Trung tâm tư vấn Pháp luật  của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai chia sẻ về mô hình tư vấn tại Đồng Nai.