Cần quy định cụ thể chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

(VOH) - Dự thảo dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ra đời là cần thiết, nhưng cần hoàn thiện hơn về phạm vi điều chỉnh, tên gọi và các chế độ chính sách trước khi ban hành.

Những ý kiến này được đề xuất trong Hội thảo góp ý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức sáng 16/9. 

Dự thảo dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định theo hướng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyên được quyền chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự giữ vai trò là hạt nhân quan trọng tại cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thì có thể cắt giảm chi ngân sách cho khoảng 500 ngàn người, tương đương với việc cắt giảm chi 375 tỷ đồng/ tháng để chi hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Đánh giá cao dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhưng Luật sư Lê Hồng Nguyên, Đoàn Luật sư TPHCM đề nghị cần làm rõ hơn về chức năng và quyền hạn của lực lượng này: “Đây là lực lượng hỗ trợ thì cần xác định quyền tới đâu. Nếu khi người vi phạm chống đối thì họ dược bảo vệ đến đâu. Cần xác định chức năng quyền hạn cụ thể hơn thì pháp luật bảo vệ họ càng cụ thể hơn”.

Ảnh minh họa: PN

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ra đời nhằm thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng về xây dựng cũng cố duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước. Đồng thời Luật ra đời sẽ tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới. Theo Trung tá Nguyễn Văn Tưởng, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Luật này ra đời là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, qua đó cần quan tâm đến tên gọi của lực lượng này để thể hiện được vị trí quan trọng của họ tại cơ sở. “Chúng ta nói lực lượng quần chúng tự nguyện nghe nhẹ nhàng quá trong khi ta có nhiều quy định. Chúng ta nên dùng từ quần chúng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự”, Trung tá Nguyễn Văn Tưởng ý kiến.

Sau khi ra đời Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khắc phục hiện nay dù có nhiều lực lượng nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm. Đồng thời làm thay đổi sự nhìn nhận, đánh giá của người dân về vị trí, vai trò của lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở theo hướng tích cực. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Văn Thị Bạch Tuyết đánh giá cao những ý kiến đóng góp và cho rằng cần thiết có sự điều chỉnh những quy định, nhất là liên quan đến xác định vị trí của lực lượng này. “Quy định như thế nào để không chồng chéo nhiệm vụ với các lực lượng khác. Xem xét điều chỉnh 1 số quy định cho phù hợp để đảm bảo có 1 lực lượng cơ sở thực hiện lực lượng này”, bà Tuyết nói.

Theo dự kiến tại Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2020 này sẽ đưa Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ra thảo luận để tiếp tục hoàn thiện trước khi ban hành. Những ý kiến đóng góp, thảo luận sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố tổng hợp báo cáo về cơ quan soạn thảo luật của Quốc hội xem xét và điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Xem thêm: