Cần sớm xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số

VOH - Ngày 8/3, Báo Pháp Luật TPHCM tổ chức tọa đàm “Xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số”, tạo diễn đàn để các chuyên gia pháp lý và doanh nghiệp thảo luận về vấn đề này.

Theo ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TPHCM, thế giới hiện có khoảng 2,4 triệu loại tiền kỹ thuật số, vượt xa số lượng đồng tiền pháp định. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài sản số, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về khung pháp lý để quản lý dòng tiền, hạn chế rủi ro lừa đảo và thất thoát tài sản.

Tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định Việt Nam cần có hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện trong nước nhưng vẫn đảm bảo tính đồng bộ với thông lệ quốc tế. ThS Nguyễn Nhật Thanh (ĐH Luật TPHCM) cho rằng việc công nhận tiền kỹ thuật số như một loại tài sản sẽ giúp bảo vệ quyền sở hữu của nhà đầu tư, đồng thời tạo cơ sở để Nhà nước quản lý và thu thuế từ các giao dịch tài sản số.

Tien so 2025

Một số đại biểu đề xuất Việt Nam cần sớm thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số để tạo nền tảng pháp lý vững chắc, hỗ trợ giao dịch tài sản số minh bạch và hiệu quả. Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết các quốc gia như Mỹ, Thái Lan đã xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, linh hoạt, giúp thị trường tài sản số phát triển bền vững.

Hiện Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số lượng người sở hữu tài sản mã hóa, với 17 triệu người tham gia thị trường. Trong năm 2024, Việt Nam nhận hơn 105 tỷ USD từ các giao dịch tiền mã hóa, dù giảm so với 120 tỷ USD năm 2023. Những con số này cho thấy tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách quản lý tài sản số.

Thực tế, ngày 1/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó yêu cầu nghiên cứu đề xuất khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với các ngành công nghệ mới. Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ phương án quản lý và phát triển thị trường tài sản số trong tháng 3/2025.

Việc sớm hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện để Việt Nam bắt kịp xu hướng tài chính số toàn cầu.

 
Bình luận