Cẩn thận mang họa vì gói hút ẩm trong bánh trung thu

(VOH) - Hầu như trong bịch bánh trung thu nào cũng có gói hút ẩm, cha mẹ cần chú ý bỏ ngay gói hút ẩm khi xé vỏ bánh để tránh trường hợp trẻ nghịch và bị tai nạn.

>>> Những nguy hại khi cho trẻ chơi con quay spinner

>>> Cách chọn mua đồ chơi an toàn cho trẻ

Không chỉ bánh trung thu mà nhiều hộp/bịch bánh, kẹo hiện nay đều có kèm theo một gói hút ẩm dạng bột hoặc hạt đi kèm - bên ngoài của gói ghi rõ dòng chữ “do not eat – không ăn được”.

Gói hút ẩm (còn được gọi là túi chống ẩm, túi hút ẩm, gói chống ẩm…) được đóng gói dưới dạng túi chữ nhật/vuông chất liệu là giấy cotton, giấy lụa hay các túi nilon… - gần giống hình dáng của gói gia vị mì tôm. Do đó, việc trẻ không biết và xé ra chơi/hoặc ăn là rất dễ xảy ra.

gói hút ẩm, túi chống ẩm, túi hút ẩm, gói chống ẩm, an toàn cho trẻ

Gói hút ẩm có khả năng hút nước, ẩm cực tốt để giữ không khí trong bao bì sản phẩm đạt được độ ẩm mong muốn và chống nấm mốc...

Cách đây vài năm, một bé trai 2 tuổi rưỡi tại Bắc Giang đã bị bỏng giác mạc vì nghịch gói hạt hút ẩm trong túi bánh gạo. Bé được đưa đến điều trị khoa Kết – Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) và được xác định là phải phẫu thuật điều trị.

Một bé trai 8 tuổi khác tại Trung Quốc, cho túi chống ẩm vào chai nước khiến chai nước nổ tung, gây bỏng mắt dẫn tới nguy cơ bị mù vĩnh viễn.

Chỉ cần cha mẹ lơ đễnh, tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra ngay, do đó cha mẹ cần nhớ những điều sau đây.

Gói hút ẩm nguy hiểm với trẻ

Chất hút ẩm bên trong gói hút ẩm có dạng hạt như: silica gel, activated clay, activated alumina...; dạng bột: calcium chloride; dạng tem (sticker): micro_pak hoặc dạng giấy (paper): perlure paper…

Bên trong gói hút ẩm chứa các hạt hút ẩm có đường kính từ 1-5 mm. Hạt này thường được làm từ silicagel, calcium chloride hay một số chất phụ gia khác.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, hạt hút ẩm silicagel có tính độc hại. Nếu cho vào miệng, các hạt silicagel sẽ hấp thụ tất cả các độ ẩm trong miệng bao gồm nước từ nướu, răng và lưỡi, gây ra cảm giác khó chịu, nếu số lượng nhiều có thể gây lở loét miệng. Nếu đã đi sâu vào bên trong cơ thể nó sẽ gây ra viêm loét ruột, dạ dày, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu hạt hút ẩm bắn vào mắt, có thể dính chặt vào giác mạc, nếu cố gắng dứt hạt hút ẩm ra có thể gây tổn thương giác mạc, rách giác mạc.

>>> Cách xử lý khi trẻ bị ngộ độc cây, lá

>>> Sơ cứu nhanh khi trẻ bị ngộ độc thuốc, hóa chất

Đặc biệt nếu bao bì bên ngoài chất lượng kém, dễ rách thì bột hút ẩm ở bên trong có thể văng ra ngoài. Khi hít phải loại bột này, trẻ có thể bị bụi phổi, bỏng hô hấp. Hơn nữa, bỏng do kiềm nguy hiểm hơn nhiều so với bỏng do axít vì dễ bỏng sâu và lan rộng.

gói hút ẩm, túi chống ẩm, túi hút ẩm, gói chống ẩm, an toàn cho trẻ

Gói hút ẩm trong gói bánh trung thu

Vì vậy, ngay khi bóc bánh kẹo hay bánh trung thu cho trẻ ăn, cha mẹ cần nhặt những gói hút ẩm và bỏ ngay vào thùng rác, tuyệt đối không cho trẻ chơi thứ này.

Cách sơ cứu khi trẻ nuốt phải hạt hút ẩm

  • Trường hợp trẻ nuốt phải hạt hút ẩm từ silicagel cần cho trẻ uống thêm thật nhiều nước lọc. Khi các hạt silicagel được ngậm đầy nước sẽ không tương tác với niêm mạc cơ thể và được bài tiết qua đường tiêu hóa.
  • Trường hợp trẻ nhai hoặc nuốt phải hạt hút ẩm làm từ vôi bột thì có thể bị bỏng khoang miệng, loét họng tùy theo mức độ hóa chất mà trẻ tiếp xúc. Vì vậy, cần cho trẻ súc miệng thật nhiều với nước sạch hoặc uống nhiều nước nhằm làm giảm nồng độ kiềm do phản ứng vôi bột gây ra. Sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
  • Trường hợp trẻ hít phải loại bột hút ẩm dạng mịn sẽ gây ra tình trạng bỏng, rát mũi, khó thở. Cần nhanh chóng lấy nước nhỏ mũi để rửa mũi cho trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
  • Trường hợp trẻ bị hạt/bột hút ẩm bắn vào mắt thì cha mẹ cần hướng dẫn trẻ bình tĩnh chớp mắt, nhỏ nước muối, thậm chí chỉ là nước lã từ từ để hạt hút ẩm no nước và bong ra, tuyệt đối không được dụi mắt hay lôi vội ra sẽ dễ làm rách giác mạc mắt. Sau đó, đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Để phòng tránh tai nạn cho trẻ, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ về tác hại của gói hút ẩm để các bé biết cách phân biệt, không xé hay nuốt gói hút ẩm trong các gói bánh, kẹo...

Quan trọng nhất, nếu nhà có trẻ nhỏ chưa có khả năng nhận biết, cha mẹ nên chủ động vứt bỏ các gói hút ẩm trước khi đưa bánh hoặc kẹo cho trẻ ăn, tuyệt đối không để trẻ chơi hoặc tiếp xúc với các gói hút ẩm.