Cần thành lập nghiệp đoàn y tế để bảo vệ quyền lợi bác sĩ

(VOH) - Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần 4. Nhiều nội dung quan trọng được nêu ra, thảo luận và phân tích.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương với 114 điều, tập trung quy định các vấn đề liên quan đến khám, chữa bệnh bao gồm Quyền và nghĩa vụ của người bệnh; Quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Quản lý các cơ sở, khám chữa bênh; Quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám, chữa bệnh; Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; Sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; Điều kiện đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh; Huy động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh
Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần 4

Để các đại biểu góp ý vào dự thảo Luật bao quát được các nội dung cần sửa đổi, tại hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội chỉ ra các nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận trong hội thảo.

Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, quy định về địa vị pháp lý, mối quan hệ của Hội đồng Y khoa Quốc gia với các cơ quan quản lý cấp giấy phép hành nghề, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh về vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội chuyên môn trong quá trình đào tạo chuyên môn.

Nhóm vấn đề thứ hai là quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề, các chức danh nghề nghiệp, về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài.

Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh, quy định phân cấp hệ thống khám bệnh chữa bệnh, cách thức chuyển tuyến, kết nối của các tuyến khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế tư nhân. Nhóm vấn đề khác liên quan đến cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng, quy định sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh.

Ông Trần Thanh Mẫn nêu: “Vấn đề đặt ra nhiều nhất là liên quan đến cơ chế tài chính, làm như thế nào trong khám chữa bệnh thời gian tới có những cơ chế đảm bảo trong quá trình thực hiện tốt hơn".

Dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) cơ bản đã bao quát được các vấn đề mà thực tiễn đang gặp phải, lấy người bệnh là trung tâm. Tuy nhiên các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng các điều luật cần có sự cụ thể và rõ ràng hơn.

Nội dung đóng góp của các đại biểu tham dự xoay quanh vấn đề như ưu tiên ngân sách để đầu tư cho y tế chuyên sâu, phát triển kỹ thuật cao, vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế, Sở Y tế trong việc đánh giá chất lượng; làm rõ các yếu tố cấu thành giá trong khám, chữa bệnh; ban hành giá thu đối với khám, chữa bệnh từ xa… Hay như cần thành lập nghiệp đoàn y tế để bảo vệ quyền lợi bác sĩ, người hành nghề y khoa.

Về vấn đề ngôn ngữ của người nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam, bác sĩ Đào Cảnh Tuất – Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Vạn Phúc Sài Gòn, thành viên Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng quy định người nước ngoài làm việc ở Việt Nam phải biết tiếng Việt là chưa thực sự phù hợp.

Bác sĩ Đào Cảnh Tuất bày tỏ: “Chúng tôi mong mời được nhiều bác sĩ ở nước ngoài về làm việc trong bệnh viện của chúng ta kể cả công lập và dân lập. Thay vì chúng ta khuyến khích người Việt Nam học Tiếng Anh để chúng ta hội nhập chứ không phải chúng ta khuyến khích người nước ngoài phải học Tiếng Việt để làm việc tại Việt Nam. Chúng tôi đề nghị người nước ngoài đến làm việc, đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh thì cơ sở phải bảo đảm phiên dịch đủ chất lượng để truyền đạt được ý kiến của người thầy thuốc đến bệnh nhân”.

Tổng kết hội thảo, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận những ý kiến tâm huyết, có sự tranh luận để làm rõ vấn đề của các đại biểu dự hội thảo: Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các Bộ, Ngành, các địa phương, với tư cách là cơ quan soạn thảo, chủ trì liên quan đến việc xây dựng Luật này, chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để chắt lọc, tiếp thu tối đa những ý kiến tham gia góp ý trong quá trình xây dựng Luật này, cùng với Ban xã hội, chúng tôi sẽ hoàn thiện nội dung của Luật trong thời gian tới”.