Một số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để tạo cơ sở pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Văn Khanh, đoàn Bình Dương cho biết: “Qua thực hiện 2 luật này đã có những bất cập dẫn đến các cơ quan tư pháp không xử lý được hành vi chế tạo tàng trữ, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, vận chuyển sử dụng trái phép...Các loại súng này có tính năng sát thương cao, các đối tượng sử dụng các loại súng thường là những tội phạm nghiêm trọng, không loại trừ khủng bố. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu không bị xử lý nghiêm sẽ dẫn đến gia tăng tội phạm và nhiều hệ lụy khác.”
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn Nghệ An, thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cho thấy trong các điều luật thường quy định tên tội danh mà ít khi nêu ra định nghĩa khái niệm. Chẳng hạn như tội chứa mại dâm, tội xuất cảnh trái phép, tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng chỉ nêu tên tội danh không định nghĩa thế nào là mại dâm, thế nào là xuất cảnh trái phép, thế nào là vũ khí quân dụng, các định nghĩa khái niệm trên phần lớn tuân theo Luật chuyên ngành hoặc các văn bản hướng dẫn dưới luật. Vì vậy, việc sửa đổi khái niệm vũ khí quân dụng trong Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là hợp lý và tiện lợi hơn.
“Trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 đến ngày 1 tháng 7 năm 2018 khi Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 đã có hiệu lực thi hành thì công tác điều tra, xử lý tội phạm này không hề có vướng mắc vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự như cũ, chỉ Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2018 có hiệu lực thì mới vướng mắc. Do vậy, sửa luật này là phù hợp” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Dương Ngọc Hải, đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Tôi đề nghị sửa Điểm b Khoản 2, vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo sản xuất thủ công hoặc công nghiệp theo tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp có khả năng gây sát thương nguy hại cho tính mạng sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng quy định tại Điểm a không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định tại Điều 18 Luật này để thi hành công vụ.”
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng để khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật thì cần đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 304 của Bộ luật Hình sự. Đại biểu Bùi Văn Xuyền, đoàn Thái Bình cho rằng: "Chúng ta chưa bổ sung thêm vào điều 304, chỉ cần thêm một từ và vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là hoàn toàn có thể xử lý hình sự...".
Cuối phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Qua thảo luận các đại biểu cho rằng, việc dự thảo luật bổ sung trường hợp miễn thị thực khi “vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ” cần được xem xét kỹ, kèm theo các điều kiện chặt chẽ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể nhằm bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Một số đại biểu cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và có 6 quốc gia đơn phương miễn thị thực có điều kiện cho công dân Việt Nam. Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì không nên thu hẹp, mà ngược lại, cần mở rộng diện các nước được đơn phương miễn thị thực.