Chờ...

Cần tính toán kỹ để đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không 'chậm tiến độ', 'đội vốn'

VOH - Sáng 13/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Thảo luận tại Tại tổ 8, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, TP Cần Thơ - cơ bản nhất trí cho rằng, việc đầu tư Dự án sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...

hop-quoc-hoi-131124
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: QH

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP Cần Thơ) ủng hộ quyết định của Chính phủ khi trình Quốc hội 19 chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án.

Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét kỹ lưỡng, bổ sung các chính sách đặc thù khác nếu cần thiết để đảm bảo dự án được thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, việc đánh giá toàn diện các rủi ro tiềm ẩn trong quá trình triển khai dự án, bao gồm rủi ro về vốn, nhân lực, giải phóng mặt bằng và công nghệ là vô cùng cần thiết. Việc chủ động nhận diện và có các giải pháp ứng phó kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tối đa những khó khăn, đảm bảo dự án tiến hành theo đúng kế hoạch.

Đại biểu cũng nêu quan điểm, việc kết nối đường sắt cao tốc với hệ thống giao thông hiện hữu là một vấn đề hết sức quan trọng. Do đó, cần có những tính toán kỹ lưỡng về phương án đầu tư kết nối, đảm bảo công tác này hoàn thành đồng bộ với dự án chính để thu hút tối đa người dân sử dụng và nâng cao hiệu quả đầu tư.

dai-bieu-doan-manh-hung-131124
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP Cần Thơ) - Ảnh: QH

Chia sẻ về trải nghiệm đường sắt cao tốc tại Nhật Bản và tại Pháp, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn TP Cần Thơ) cho rằng, hoạt động di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao rất thuận lợi, tạo điều kiện để phát triển nhiều ngành khác như du lịch.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về công năng của tuyến đường sắt tốc độ cao này là kết hợp cả vận tải hàng hoá và hành khách hay tách riêng và chỉ sử dụng khi cần thiết; lo ngại về năng lực quản trị, vận hành dự án và nguy cơ đội vốn…

Trong khi đó, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Điện Biên) dẫn bài học kinh nghiệm của các tuyến đường sắt đô thị triển khai ở Hà Nội và TPHCM vừa chậm tiến độ, vừa đội vốn, để nêu rõ, cần thực hiện việc nghiên cứu, chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao thật kỹ lưỡng để bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ và chất lượng.

Về nguồn lực, đại biểu cho rằng, không nên e ngại việc vay vốn nước ngoài. Các quỹ ngoại tham gia mua trái phiếu Chính phủ ngày một tăng. Việt Nam có thể sử dụng thị trường trái phiếu Chính phủ để thu hút nguồn vốn nước ngoài, tập trung cho dự án này.

Về công nghệ, đại biểu cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải phải tập trung các chuyên gia để quyết định chọn công nghệ nào cho phù hợp, trong đó, cần đặt niềm tin vào các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp quốc gia của Việt Nam trong việc nắm bắt, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ.

Theo đại biểu, người Việt Nam rất thông minh, trí tuệ, có thừa khả năng làm chủ công nghệ. Việc cần làm là tạo cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngay từ đầu vào dự án này.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Dự án đường sắt cao tốc được thiết kế với công nghệ đường ray hiện đại, cho phép tàu đạt tốc độ tối đa lên đến 350km/h.

Dù thiết kế ban đầu cho phép vận chuyển cả hành khách và hàng hóa, nhưng trong quá trình vận hành, tàu sẽ ưu tiên tập trung vào vận chuyển hành khách và phục vụ các mục tiêu an ninh quốc phòng khi cần thiết.

Việc vận chuyển hàng hóa sẽ được thực hiện thông qua hệ thống đường sắt hiện hữu, đường bộ và đường biển ven bờ.

Bộ trưởng nêu rõ, các nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy, việc kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa trên cùng một tuyến đường sắt sẽ làm giảm hiệu quả và hiệu suất vận chuyển hành khách.

Tàu cao tốc được thiết kế để vận chuyển hành khách với tốc độ cao, trong khi tàu hàng lại có tốc độ di chuyển chậm hơn nhiều (từ 80-100km/h). Vì vậy, việc phân chia rõ ràng các loại hình vận tải sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng hệ thống đường sắt.