Cần triển khai hiệu quả gói chính sách tài khóa tiền tệ

(VOH) - Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá 15, thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao việc cần thiết ban hành gói chính sách hỗ trợ để phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả gói chính sách tài khóa tiền tệ này, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh đến việc phải có cam kết sản phẩm đầu ra và tăng cường giám sát trong triển khai nghị quyết.

can-trien-khai-hieu-qua-goi-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-voh.com.vn-anh1
Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khoá XV. (Ảnh: TTXVN)

Đa số các đại biểu cho rằng, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội…chính vì thế, việc có chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng:

Cần đảm bảo được tính công bằng nhất định khi triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ giữa các địa phương; giữa các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của đại dịch. Đại dịch Covid-19 dẫn đến thị trường lao động bị đứt gãy, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc và lo ngại dịch bệnh. Nhiều địa phương đối mặt với việc giải quyết vấn đề an sinh và việc làm cho lao động.

Hiện nay, dành nguồn kinh phí khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chính thức là chưa hợp lý.

Tán thành với các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung vấn đề trợ giúp pháp lý để giúp các đối tượng này hiểu được các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Để đảm bảo triển khai gói chính sách hiệu quả cao nhất, đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách và kiểm soát chặt dòng tiền; các đại biểu nhấn mạnh nhiều tới việc chú trọng công tác thanh kiểm tra khi triển khai nghị quyết.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế nên tránh việc thiết kế theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, mà nên chọn lọc, tập trung, chú trọng tới tính quy mô và lan tỏa trong giai đoạn phục hồi.

Là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, du lịch đang rất cần chính sách đột phá để phục hồi và phát triển.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn Bình Thuận và đại biểu Trần Chí Cường- Đoàn Đà Nẵng, nếu có chính sách tác động phù hợp, đây cũng là ngành được cho là có khả năng phục hồi, có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế.

Theo các đại biểu, trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, không hỗ trợ dàn trải, bình quân hóa, bởi dư địa chính sách cũng không cho phép thực hiện bao phủ quá nhiều đối tượng.

Cùng với đó là ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách nhằm hỗ trợ các chi phí phòng dịch, các chi phí tái tổ chức hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.