Hôm nay (11/10), các tỉnh miền Trung tiếp tục đón mưa lớn, nhiều nơi mưa rất lớn. Lũ tiếp tục dâng trên nhiều dòng sông, nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, ngập úng diện rộng.
Trong vài ngày qua, mưa to kéo dài đã khiến mực nước trên nhiều sông dâng cao, ngập sâu nhiều nơi, giao thông chia cắt cục bộ, nhiều trường học ở miền núi bị uy hiếp.
Quảng Bình: Có hơn 20 điểm bị ngập úng và sạt lở
Tỉnh Quảng Bình có hơn 20 điểm bị ngập úng và sạt lở. Cụ thể, tại Ngầm Bùng Km562+200/QL 15 nước ngập sâu 1,2m, gây tắc đường từ 23 giờ ngày 9/10. Tuyến đường tỉnh 562, đoạn Km17+800-Km18+00/ĐT.562 nước ngập sâu 1,2-1,5m gây tắc đường.
Tại xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có các thôn, bản Dốc Mây, Hối-Rấy, Nước Đắng nước vẫn ngập. Đường vào các bản Ploãng, Zìn Zìn, Trung Sơn cũng bị ngập. Một số điểm nước đang xuống nhưng khá chậm.
Tại huyện miền núi Minh Hoá còn 4 điểm ngập úng, cụ thể: tràn Bến Seng, xã Tân Hóa nước ngập gây chia cắt thôn 4 và thôn 5; cầu tràn qua thôn Quyền và cầu tràn Bản Ón, xã Thượng Hóa đang bị ngập và ngầm Hung Trâu, xã Thượng Hóa nước ngập sâu 2m.
Đường Hồ Chí Minh - nhánh Đông vào 3 bản của đồng bào Rục là Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa sạt lở với khối lượng đất đá 100m3.
Tại huyện Lệ Thủy, bờ kè thôn Thượng Hải, xã Ngư Thủy bị sạt lở với chiều dài khoảng 5m; tại km 123+200 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thuộc xã Lâm Thủy bị sạt lở khoảng 30m3 đất đá (dài khoảng 10m, rộng 5m). Phía Bắc cầu 123 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có 1 điểm sạt lở dài khoảng 10m phủ hết taluy âm.
Huyện Bố Trạch, trên Đường 20 tại km37 đường bị sạt lở xe ô tô không lưu thông được; đường vào hang Tám Cô ở xã Tân Trạch tại km 37 cũng bị đất đá sạt lở tràn xuống đường khoảng 30m3 gây tắc đường. Cống thuộc tuyến đường đoạn nối đường Hồ Chí Minh đi Cụm Công nghiệp xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới bị sạt lở cắt ngang.
Tuyến đường tỉnh 562 tại các vị trí Km36-Km38 và Km52+00 sạt lở taluy dương; tại km 35 Quốc lộ 9C mưa kèm gió lớn những ngày qua khiến cây gãy đỗ chắn ngang đường khiến các tuyến đường này đang tắc, người và phương tiện giao thông không qua lại được.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã triển khai 28 tổ công tác tăng cường các địa bàn để nắm tình hình, phối hợp với địa phương ứng phó mưa lũ; sắp xếp, bố trí cán bộ, chiến sỹ chốt chặn, cảnh báo và hướng dẫn người dân qua lại đảm bảo an toàn; phối hợp với các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ giải toả các điểm sạt lở để thông đường trong thời gian sớm nhất.
Quảng Trị: Sạt lở đất trên đường mòn Hồ Chí Minh
Ngày 11/10, ông Nguyễn Trung Thông, Trưởng văn phòng QLĐB II.4 cho biết, trên địa bàn đơn vị quản lý xảy ra vụ sạt lở gây ách tắc giao thông.
Vụ sạt lở xảy ra tại Km 169+100 đường HCM nhánh Tây, đoạn qua thôn Cợp (xã Hướng Lập, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vào lúc 7h sáng cùng ngày 11/10.
Cụ thể, hàng ngàn m3 đất đá ở taluy dương đổ ập xuống mặt đường với chiều dài khoảng 60m, rộng 20m, cao 6m. Vụ việc gây tắc đường từ xã Hướng Lập ra hướng tỉnh Quảng Bình.
Quảng Nam: 2 người chết, 1 người mất tích
Theo báo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đợt mưa lớn từ ngày 9-11/10, địa phương đã chủ động di dời, sơ tán 1.237 hộ/4.276 nhân khẩu tại các vùng có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Đợt mưa lớn này làm 2 người chết, 1 người mất tích, rất nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan bị ngập nước. Theo số liệu tổng hợp của một số địa phương, Nông Sơn ngập 264 nhà, Quế Sơn ngập 57 nhà, Điện Bàn ngập 450 nhà. Các địa phương cũng đang tổng hợp thiệt hại về nông nghiệp.
Về giao thông, tính đến 11 giờ 30 ngày 11/10, một số tuyến đường bị sạt lở như đường Trường Sơn Đông (sạt lở taluy dương tại Km29+450, Km76+600); quốc lộ 24C (sạt lở tại Km89+450 đoạn qua xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My) và nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập nước từ 0,4-1,2m có nơi ngập đến 3m (Nông Sơn).
Hiện nay 12/17 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý đã đầy nước và tích đạt 100%; 5 hồ còn lại đã tích từ 50-90%. Riêng mực nước hồ Phú Ninh đã đạt dung tích hữu ích 69,9%.
UBND tỉnh đang theo dõi tình hình ngập lụt ở hạ du trong đêm nay và ngày mai 12/10, nếu tình hình cải thiện sẽ tiến hành điều tiết lượng nước ở các hồ thủy điện, thủy lợi để đón đợt mưa sắp tới.
Quảng Ngãi: Sơ tán gấp 400 hộ dân vùng ngập lụt và nguy cơ sạt lở
Tính đến 17h30 chiều 11/10, mưa lũ đã làm gần 2.000 nhà dân tại Quảng Ngãi bị ngập, mức ngập trung bình từ 0,3-0,7m.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 1.995 nhà dân bị ngập lũ. Trong đó, huyện Nghĩa Hành bị ngập lụt nặng nhất với 1.882 nhà và thị xã Đức Phổ 113 nhà. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, các địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức di dời, sơ tán 400 hộ với 1.094 khẩu trong vùng có bị ngập lụt và vùng nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.
Theo Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, hiện nay có 5 tuyến đường tỉnh lên các huyện miền núi bị sạt lở nặng gây ách tắc giao thông. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở miền núi cũng bị đất đá sạt lở tràn xuống đường khiến phương tiện không thể lưu thông qua lại. Phương tiện, nhân lực đang được ngành giao thông tỉnh Quảng Ngãi huy động tối đa để giải phóng khối lượng đất đá sạt lở.
Bình Định: 253 nhà và hàng trăm ha cây trồng bị ngập
Theo báo cáo từ các đơn vị, địa phương của tỉnh Bình Định, tính đến 16h hôm nay (11/10), mưa lớn trong 2 ngày qua đã làm 253 nhà bị ngập, cụ thể: huyện Hoài Ân 250 nhà và 3 nhà ở thị xã Hoài Nhơn. Có 43 ha hoa màu, 9 ha cây ăn quả, 162 ha các loại cây trồng khác bị ngập và đổ ngã.
Tại huyện Hoài Ân có 550 con gà vịt, 3 con trâu (xã Đăk Mang), 2,5 tấn cá nuôi ao hộ gia đình (xã Ân Mỹ) bị cuốn trôi. Một số đập dâng tại xã Đăk Mang, Bok Tới và Ân Sơn (huyện Hoài Ân) bị bồi lấp hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lớn cũng gây sạt lở, bồi lấp kênh mương với tổng chiều dài 22,5 km.
Tại huyện miền núi An Lão mưa lớn đã gây sạt lở tại 2 điểm suối Tình Cảm (xã An Quang), tuyến đường thôn 4 đi thôn 2 xã An Nghĩa bị sạt lở đất 1 vị trí, khối lượng sạt lở ước tính khoảng 100 m3. Đường bê tông hư hỏng 9 m, khối lượng bê tông hư hỏng khoảng 10 m3…