Nghe nội dung bài viết
Luật cảnh vệ được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận tổ chiều qua. Theo đó, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định tại Pháp lệnh cảnh vệ năm 2005, không mở rộng đối tượng cảnh vệ đến Bộ trưởng Bộ Ngọai giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Về sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ được quy định trong điều 23, hầu hết ý kiến cho rằng, việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đại biểu Ngô Minh Châu – Phó Giám đốc Công an TPHCM - nêu quan điểm: "Kỳ trước chúng ta đã thảo luận về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cũng có nội dung về nổ súng. Điều chung nhất là ở luật đó chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản với các trường hợp nổ súng và yêu cầu đối với các luật cụ thể có liên quan cần phải có quy định cụ thể. Kỳ này, chúng ta thảo luận Luật cảnh vệ thì cần cụ thể. Tôi thấy dự Luật này đã quy định cụ thể 3 trường hợp, cộng thêm những trường hợp khác theo luật chung, như vậy là phù hợp".
Điều 19 quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị điều chỉnh lại theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Phó Chính ủy Quân khu 7, phân tích: "Điều 19 quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ là thừa, vì lực lượng cảnh vệ trước hết phải là sĩ quan CAND hoặc sĩ quan QĐND VN và được tuyển chọn qua luật Nghĩa vụ QS, Luật CAND và Luật Sĩ quan Nhân dân. Tôi đề nghị giao Bộ trưởng Công An, Bộ trưởng Quốc Phòng tuyển chọn từ lực lượng CAND, QĐND".
Thực hiện cấp visa điện tử là cơ sở để quản lý an ninh bài bản và chặt chẽ hơn. Ảnh minh họa: internet
Đóng góp cho Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, đại biểu Nguyễn Quốc Bình – đoàn Hà Nội - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội-đánh giá cao Nghị quyết, cho rằng, đây là việc thí điểm cải cách hành chính mang tính chất quốc tế cao, và là dịch vụ đầu tiên về hành chính công cấp độ 4 trực tuyến, phục vụ trực tiếp cho người nước ngoài:
"Việc cấp visa điện tử không ảnh hưởng đến an ninh, quy trình xét duyệt vẫn là 2 bước. Trước đây, ta phỏng vấn trực tiếp ở nước ngoài, bây giờ ta xem xét hồ sơ trên hình ảnh, điều tra trên các thông tin quốc tế, sau đó, vẫn xác minh, xác nhận trực tiếp. Thứ 2 nữa là chúng ta xây dựng visa điện tử, sẽ có cơ sở quản lý về dữ liệu rất lớn đối với người nước ngoài vào VN. Đó là cơ sở để chúng ta tiếp tục xây dựng quản lý về lưu trú, đi lại, quản lý an ninh bài bản và chặt chẽ hơn".
Góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, có đại biểu cho rằng không cần thiết quy định điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô. Cho rằng, ô tô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao, vì vậy, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời cũng hạn chế tác động có hại từ các cơ sở cung cấp dịch vụ này tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Trước đó, vào buổi sáng, với 86,64% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020).
Hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).