Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cát phục vụ đắp nền cao tốc ĐBSCL không thiếu nếu có sự điều phối hợp lý

VOH - Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định trữ lượng vật liệu đắp nền ở Đồng bằng sông Cửu Long không thiếu nếu có sự điều phối hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên khẳng định trữ lượng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long nếu khai thác, điều phối một cách hợp lý thì hoàn toàn có thể cung cấp đủ cho tiến độ các dự án cao tốc.

Với 60 dự án khai thác cát đã cấp phép thì tổng trữ lượng cát là khoảng 80 triệu m3; trong đó, có 63 triệu m3 cát san lấp và 17 triệu m3 cát xây dựng.

Cát phục vụ đắp nền cao tốc ĐBSCL không thiếu nếu có sự điều phối hợp lý 1
Hàng trăm km cao tốc ở ĐBSCL nằm chờ nguồn vật liệu cát đắp nền - Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã cấp tiếp 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng dự kiến 39 triệu mét khối cát san lấp và 3 triệu mét khối cát xây dựng.

Tổng cộng có khoảng 120 triệu m3 cát (gồm 20 triệu m3 cát xây dựng và khoảng 100 triệu m3 cát san lấp) trong khi nhu cầu của 4 dự án cao tốc đang triển khai là 53,68 triệu m3.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nhu cầu là vậy nhưng không phải khai thác tập trung một lúc tất cả khối lượng cát trên mà rải ra 4 năm, năm 2024 cần nhiều hơn, năm 2025 giảm dần và kết thúc vào năm 2026.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng nói thêm rằng hiện các mỏ cát đều được khai thác đạt sản lượng cao hơn trữ lượng đã phê duyệt, trong quá trình này vẫn có bồi lắng tự nhiên nhất định.

Cát phục vụ đắp nền cao tốc ĐBSCL không thiếu nếu có sự điều phối hợp lý 2
Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các địa phương về triển khai các dự án cao tốc ở ĐBSCL ngày 5/9 tại Cần Thơ - TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định vật liệu cát đang là vấn đề khó, do đó cần tiên liệu các rủi ro nếu khai thác cát sông quá mức. Ví dụ nhu cầu là 100 triệu m3 cát là đủ nhưng nếu tập trung khai thác một lúc thì sẽ không có.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, các nhà thầu rà soát lại tiến độ cung cấp cát cho các dự án thật chắc chắn, gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để điều phối, phân bổ nguồn vật liệu.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết hiện đơn vị đã hoàn tất việc thí điểm sử dụng cát biển để đắp nền đường tại đoạn hoàn trả tuyến đường tỉnh 978 thuộc dự án Hậu Giang-Cà Mau, đã hoàn thành hết lớp đắp bằng cát biển K95, K98, đang thi công lớp đá dăm láng nhựa. Dự kiến, đến tháng 12/2023 sẽ hoàn thành lớp mặt và có thể thông tuyến.

Đánh giá bước đầu, chất lượng môi trường nền (nước mặt, nước ngầm và đất) trước và trong khi thi công cho thấy, chưa có bằng chứng về việc thi công đắp cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng Clorua trong nước mặt và nước ngầm. Việc thi công cũng không ảnh hưởng đến chất lượng đất.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, sớm đưa cát biển vào sử dụng trong những dự án tương tự.

Theo Phó Thủ tướng, giải pháp cát biển tập trung vào ba tiêu chí: cơ lý, môi trường và kinh tế. Nếu trọn vẹn được dùng phương án này thay cho mỏ cát ở trên sông, nhằm tránh các nguy cơ đối với môi trường, sạt lở bờ sông.

Bình luận