Chờ...

Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu: Chăm lo con em chiến sĩ hải quân và ngư dân bám biển

(VOH) - Sáng nay 23/10 Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” tổ chức chương trình họp mặt hội viên.

Sau 6 năm thành lập, đến nay, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” đã kết nối 115 hội viên, hơn 2.600 cá nhân, trong đó, có 29 hội viên tập thể, 98 hội viên cá nhân ở các nước Châu Âu, Úc, Thái Lan, vận động được hơn 90 tỉ đồng; Thăm tặng quà và động viên các gia đình cán bộ chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma và nhà giàn DK, tặng 57 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho các chiến sĩ hải quân, trao hơn 10 ngàn suất học bổng, cấp học hổng cho 141 em học sinh là con chiến sĩ hải quân và gia đình ngư dân hoàn cảnh khó khăn đưa vào TPHCM học tập từ năm lớp 6 đến năm lớp 12 tại 10 trường: Duy Tân, Hồng Hà, Ngô Thời Nhiệm, Hoa Sen….

Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu: Chăm lo con em chiến sĩ hải quân và ngư dân bám biển
Các thành viên Câu Lạc Bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” biểu biễn các tiết mục hướng về Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu.

Tại chương trình, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” cho biết: “Đối với Trường Sa chúng ta chăm lo đầy đủ. Ba ngôi trường ở đảo Trường Sa từ Trường Sa lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn, vẫn đảm bảo các dụng cụ văn phòng phẩm cho các em, đảm bảo hỗ trợ dụng cụ cho thầy giáo, học bổng các cháu. Trường Sinh Tồn đang xuống cấp thì chúng ta cũng vận động được 700 triệu đồng để nâng cấp trường. Trường chúng ta xây dựng và ở gần đảo Gạc Ma và Trường Sa Lớn cũng được hỗ trợ hơn 1 tỷ để nâng cấp. Đó cũng là niềm vui”.

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” phát biểu.

Tại buổi họp mặt, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, nguyên Chính ủy Quân Khu 7 báo cáo thời sự về tình hình biển Đông. Quan điểm của Việt Nam dù luôn giữ tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, dù tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về kinh tế nhưng lập trường về biển, đảo phải rõ ràng, thẳn thắn, minh bạch với chứng cứ lịch sử. Chúng ta chủ trương giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, dựa vào luật pháp Quốc tế, nhất là Luật biển, quy ước CEC giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á với một tinh thần bình tĩnh, tự tin và thái độ thật kiên trì, kiên quyết và hết sức khôn khéo.

Biển bao giờ cũng là biên giới, là chủ quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm từ lịch sử đến hiện nay và mãi mãi.