Chậm chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng nêu giải pháp tháo gỡ

VOH - Sáng 7/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm rõ nguyên nhân chậm triển khai; tháo gỡ vướng mắc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận tiến độ thực hiện Chương trình này "rất chậm".

Theo số liệu thống kê, đến ngày 31/5/2023, tiến độ giải ngân năm 2022 của Chương trình chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển; 5 tháng đầu năm 2023 đạt 17,01% vốn đầu tư phát triển.

Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế, mức độ quan tâm của các địa phương và chất lượng đội ngũ cán bộ là 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chậm triển khai Chương trình.

Chương trình tích hợp hơn 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án và 55 nội dung thành phần, thuộc trách nhiệm quản lý của 23 bộ, ngành Trung ương.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau. Bên cạnh đó còn có sự xung đột, chồng chéo về quy định cần thời gian để sửa đổi, bổ sung.

Đến thời điểm này, còn 6 địa phương (Long An, Bình Thuận, Trà Vinh, Vính Long, Bạc Liêu, Bến Tre) nợ văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền địa phương theo phân cấp.

Trình độ của cán bộ trực tiếp triển khai Chương trình, nhất là ở vùng sâu vùng xa còn rất hạn chế; Quy trình, thủ tục còn phức tạp, dễ dẫn đến nguy cơ sai sót, mất cán bộ.

Nhiều nơi còn tình trạng triển khai các dự án manh mún, dàn trải trong cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), do còn tâm lý cào bằng và cả quy định hiện hành.

Chậm chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng nêu giải pháp tháo gỡ 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 71. Trong hơn 2 tháng, 18/18 bộ, ngành có 59 văn bản trả lời giải quyết 261/339 vướng mắc nêu trên, chiếm khoảng 70%.

Các vướng mắc còn lại sẽ được giải quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022 ngày 19/4/2022 và ban hành một số thông tư. Bộ KH&ĐT được giao tổng hợp, giải trình và báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành trước ngày 15/6.

Nghị định sửa đổi Nghị định 27 giải quyết 5 nhóm kiến nghị, đề xuất của các địa phương, giúp các địa phương lồng ghép nguồn vốn nhằm gia tăng nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, manh mún.

Có cơ chế thông báo dự kiến mức vốn sự nghiệp trung hạn thực hiện các Chương trình MTQG cho các địa phương để các địa phương chủ động cân đối.

Quy định chi tiết quy trình, thủ tục hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các hộ gia đình để có đất ở theo tiêu chuẩn.

Về thủ tục hỗ trợ phát triển, Nghị định sửa đổi sẽ quy định quy trình chi tiết để thực hiện cơ chế triển khai một số dự án, tiểu dự án.

Nghị định sẽ đẩy mạnh phân cấp để các địa phương chủ động thực hiện những nhiệm vụ mà chỉ có địa phương mới biết phải làm như thế nào là đúng nhất.

Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Phó Thủ tướng trả lời "rất thắng thắn" và cũng nêu "rất nhiều giải pháp tháo gỡ".