Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Án hành chính vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh

(VOH) – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang…

Sáng 20/3, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn tại phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nói tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao. Đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này?

Trả lời chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2022, tỷ lệ xét xử án hành chính đạt yêu cầu của Quốc hội đã tăng nhưng không nhiều (vượt 12%). Tỷ lệ hủy sửa nhiều, có năm lên tới 4%, trong khi tỷ lệ Quốc hội cho phép là 1,5% (cao hơn yêu cầu của Quốc hội).

Theo ông Nguyễn Hòa Bình có hiện tượng nể nang, né tránh trong án hành chính, tuy nhiên số lượng không nhiều. Các tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Án hành chính vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh 1
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời tại phiên họp

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, kể cả các loại án, nhiệm kỳ trước đã có hội nghị chánh án 4 cấp thảo luận về việc này, đã đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử.

Chánh án TAND Tối cao cho rằng, đề hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử.

Về phiên Tòa trực tuyến, về xét xử trực tuyến, Chánh án TAND Tối cao cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các văn bản để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn…Các trang bị cho xét xử trực tuyến cơ bản đầy đủ, đã xét xử hơn 5400 vụ theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa.

Đối với câu hỏi làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án TAND Tối cao cho biết, so với khối lượng công việc, biên chế của tòa án hiện nay rất ít. Điều này tạo nên áp lực đối với hệ thống tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. TAND Tối cao mong muốn Quốc hội xem xét vấn đề biên chế cho tòa án.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Án hành chính vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Hiện ngành tòa án vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà nổi lên như một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan, tỷ lệ bản án quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt tiêu chỉ tiêu của Quốc hội đề ra…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành tòa án.