Chất cực độc Methanol trong rượu: cái chết được báo trước

(VOH) - PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan -  Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP trả lời về những vụ ngộ độc rượu có chứa chất cồn công nghiệp methanol.

              

VOH: Bà đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất rượu pha cồn công nghiệp vẫn còn?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Tình trạng rượu lan tràn trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ tồn tại rất lâu. Đáng tiếc là sau khi xảy ra vụ việc gây chết người thì chúng ta mới khởi động, xới vấn đề lên.

Điều đầu tiên là phải nâng cao ý thức người dân, phải nói không với rượu không rõ nguồn gốc. Nguy hiểm nhất là tình trạng pha cồn công nghiệp trong nước, tạo thành rượu bán với giá một chai rượu còn rẻ hơn một chai nước và khi uống rượu này chúng ta đang đánh cược sức khỏe, tính mạng của mình, hết sức mạo hiểm.

VOH: Cơ quan nào sẽ chủ trì giải quyết vấn đề này, thưa bà?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Chủ trì vẫn là ngành công thương trong sản xuất, kinh doanh và phân phối rượu. Chúng ta phải xem lại, đặc biệt trong chuyện chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại, hàng hóa không rõ nguồn gốc.. phải xử lí mạnh tay.

Liên quan kiểm soát hóa chất công nghiệp, cồn công nghiệp cũng có khác gì hóa chất, phụ gia công nghiệp... người ta tự do mua bán rồi trộn vào, tại sao lại bày bán tự do, phải xem lại các điều khoản luật.

Chúng tôi có cảm giác đang chạy theo vụ việc, giải quyết là chính còn làm sao để thay đổi cả quan niệm đòi hỏi thời gian rất dài.

VOH: Bên cạnh rượu chứa độc tố gây chết người thì bà còn băn khoăn về những vấn đề nào liên quan đến an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM, thưa bà?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Thách thức rất lớn trong thực phẩm chúng ta vẫn chưa kiểm soát được là lượng thuốc trừ sâu tồn dư, các chất cấm, kháng sinh vượt quá mức cho phép. Những năm gần đây khi vấn đề này khi dư luận xã hội hết sức bức xúc khi hàng hóa xuất khẩu bị ách lại thì chúng ta mới xem lại vấn đề.

Hiện tại việc giết mổ heo tiêu thụ tại thị trường thành phố, chúng ta đã có những hoạt động nổi bật: kiểm tra tận nguồn, kiểm soát chặt vấn đề chăn nuôi, tình hình đỡ hơn rất nhiều nhưng chưa triệt tiêu. Do vậy phải làm thường xuyên liên tục.

VOH: Khi thực phẩm đã về các chợ đầu mối, Ban an toàn thực phẩm sẽ có kế hoạch kiểm tra từ nguồn như thế nào? 

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Thời gian tới chúng tôi có hai giải pháp chính, khi sự việc đã xảy ra thì phải giải quyết từ ngọn. Tất cả heo, thịt, hải sản, nông sản khi vào chợ đầu mối thì tăng cường lực lượng thanh kiểm tra nhanh để phát hiện thực phẩm bẩn.

Nhưng đó chỉ là phần ngọn khi người ta đã lỡ nuôi theo cách như vậy, cũng sẽ là thiệt thòi cho nông dân khi đó là hành vi của thương lái, hành vi gian lận thương mại. Do vậy, chúng ta phải làm tận gốc, ngành nông nghiệp xem lại từ trồng trọt chăn nuôi có đạt chuẩn hay không.

Chúng tôi sẽ tăng cường các giải pháp, đề án để làm chuỗi thực phẩm an toàn, để làm sao thực phẩm phải sạch từ gốc.

Chúng ta cũng có kinh nghiệm nếu so một số năm trước, nông sản xuất khẩu bị trả về nhiều thì ngày nay chúng ta đã là nơi cung cấp cho nhiều thị trường khó tính. Vấn đề mình có làm một cách nghiêm khắc và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan?

Tôi xin khẳng định đây là vấn đề thường xuyên, liên tục phải làm nhiều, linh động đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, thị trường, phái làm suốt năm chứ không phải một ngày một bữa rồi thôi.

VOH: Cám ơn bà!

Bình luận