Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Cựu Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, khai rõ từng lần nhận tiền từ nữ Phó Giám đốc doanh nghiệp và đưa lại cho Hoàng Văn Hưng - Cựu trưởng Phòng điều tra của Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) - giúp "chạy án".
Về mối quan hệ với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng - Cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Bầu trời xanh, ông Tuấn khai: "Coi Hằng như anh em thân thiết trong nhà".
Khi vụ án bị điều tra, Hằng tìm đến ông Tuấn (khi đấy đang là phó giám đốc Công an Hà Nội) để giúp không bị xử lý hình sự.
“Khi Hằng đề nghị thì tôi nói để tôi liên hệ. Tôi sẽ hỏi anh em trên bộ có giúp gì không. Tôi gọi điện cho Hưng thì biết Hưng là điều tra viên chính có thể giúp được. Tôi nói lại với Hằng để hai người có thể bố trí gặp nhau", ông Tuấn khai.
Sau khi được Hưng nhận lời "giúp đỡ", ông Tuấn thiết kế những cuộc gặp đầu tiên giữa ông Hưng và bà Hằng tại chính nhà riêng của mình.
"Ban đầu không muốn dính vào việc này nhưng do hai bên không tin tưởng nhau nên lôi tôi vào", ông Tuấn nói.
Theo cáo trạng, ngoài hành vi đưa, nhận hối lộ để thực hiện chuyến bay giải cứu, còn có nhóm bị cáo bị đưa ra xét xử với cáo buộc đã móc ngoặc để chạy án cho doanh nghiệp.
Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng là hai người bị cáo buộc đưa số tiền hối lộ lớn nhất trong vụ án, lên đến hơn 100 tỉ đồng.
Trong đó, hai người này chi 38,5 tỉ "bôi trơn" 12 quan chức để được cấp phép 109 chuyến bay và phê duyệt cách ly tại địa phương.
Khi vụ án được điều tra, lo sợ vướng lao lý, bà Hằng đã tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là phó giám đốc Công an Hà Nội) để nhờ "chạy án".
Cơ quan truy tố xác định bà Hằng và ông Sơn đưa hối lộ 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ) cho Cựu Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để nhờ Hoàng Văn Hưng - Trưởng Phòng điều tra của Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) giúp "chạy án".
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao công bố tại phiên tòa, tháng 3/2020, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước.
Đến tháng 4/2020, Chính phủ tổ chức một số chuyến bay giải cứu chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội (gọi tắt là "Chuyến bay giải cứu").
Tháng 11/2020, Chính phủ tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao Tổ công tác của 4 Bộ, ngành (Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao), sau đó, bổ sung thêm Bộ Công an cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.
Quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này có 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.